Các nhà khoa học Mỹ cho biết, trong 50 năm qua, số lượng trung bình của các cơn lốc xoáy quét qua nước Mỹ hàng năm không tăng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy số lượng các trận lốc xoáy có sức phá hoại lớn (còn gọi là vòi rồng), được coi là hiện tượng thời tiết cực đoan thì lại tăng lên. Những vòi rồng này có thể hút người, động vật, xe cộ lên cao và mang đi rất xa, cũng như tàn phá mặt đất nơi chúng quét qua.
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, Mỹ vừa công bố kết luận: Biến đổi khí hậu góp phần làm gia tăng những hiện tượng thời tiết cực đoan. Kết luận của họ được đưa ra trong một bài báo đăng trên tạp chí Khoa học (Mỹ).
Một vòi rồng đang quét qua một vùng quê ở Mỹ. (Nguồn: CSM) |
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Michael Tippett, một nhà toán học tại trường Đại học Columbia, cho biết: Có hai thành phần tạo điều kiện thuận lợi để hình thành vòi rồng: Một là xu hướng không khí nóng chuyển dịch dần lên phía trên bầu khí quyển, được gọi là “dòng đối lưu mang năng lượng tiềm năng” (CAPE), và hai là sự xuất hiện những luồng gió theo chiều thẳng đứng. Không khí ấm và ẩm ở gần bề mặt của Trái đất có xu hướng bốc lên, tạo ra dòng đối lưu CAPE và là một nguyên nhân hình thành nên những thành tố quan trọng tạo ra lốc xoáy.
Tippett và các đồng nghiệp của ông từng dự đoán CAPE tăng trong các môi trường nơi những vòi rồng cực mạnh bùng phát. Nhưng khi họ nghiên cứu các dữ liệu được ghi lại, họ nhận thấy, trong thực tế, các luồng gió theo chiều thẳng đứng xuất hiện nhiều hơn.
Tuy họ chưa giải thích được thấu đáo điều này, nhưng ông Tippett khẳng định nghiên cứu đã góp phần chứng minh sự nóng lên toàn cầu đã gây ra xu hướng tăng lên của các cơn lốc xoáy có sức tàn phá lớn.
“Có những khía cạnh của biến đổi khí hậu mà chúng ta vẫn chưa hiểu hết và nhóm đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn đề tài này", ông Tippett nói.
Thống kê cho thấy Mỹ là quốc gia chịu nhiều trận lốc xoáy nhất trong một năm. Con số trung bình là hơn 800 cơn lốc xoáy hoạt động trong một năm, làm cho ít nhất 50 người chết.