📞

Biến đổi khí hậu: Thụy Sỹ bảo vệ nỗ lực của chính phủ, Tổng thư ký LHQ kêu gọi 'khai tử' quảng cáo nhiên liệu hóa thạch

Bảo Minh 17:19 | 06/06/2024
Tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng thôi thúc các chính phủ cũng như cộng đồng quốc tế cần hành động có trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa.
Các nhà hoạt động khí hậu phản đối nhiên liệu hóa thạch tại COP28 ở thủ đô Dubai, UAE, hồi tháng 12/2023. (Nguồn: Reuters)

Tháng 4 vừa qua, Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) tuyên bố, chính phủ Thụy Sỹ đã vi phạm Điều 8 của Công ước châu Âu về nhân quyền,vốn đảm bảo “quyền tôn trọng cuộc sống riêng tư và cuộc sống gia đình”.

Phán quyết trên được đưa ra sau khi Hiệp hội Người cao tuổi bảo vệ khí hậu Thụy Sỹ, gồm khoảng 2.500 phụ nữ ở độ tuổi 73, đệ đơn kiện với yêu cầu rằng bảo vệ khí hậu phải được công nhận là quyền của con người.

Bên nguyên đơn cáo buộc rằng, chính phủ Thụy Sỹ đã không nỗ lực hành động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, vốn đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống và sức khỏe của họ.

Với động thái của ECHR, Thụy Sỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên chịu phán quyết không thực hiện các nỗ lực phù hợp để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Hãng AFP đưa tin, ngày 5/6, với tỷ lệ 31-11, Thượng viện Thụy Sỹ đã thông qua bản kiến nghị nhằm phản đối phán quyết trên của ECHR.

Bản kiến nghị bày tỏ quan ngại về phán quyết "không thỏa đáng" của ECHR, nêu rõ rằng, trong một cuộc trưng cầu ý dân hồi năm ngoái, các cử tri Thụy Sỹ đã nhất trí thông qua một đạo luật đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, đồng thời khẳng định rằng quốc gia này "cho đến nay vẫn tôn trọng các cam kết khí hậu quốc tế của mình".

Trong tuần tới, Hạ viện Thụy Sỹ cũng sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu liên quan phán quyết của ECHR. Giới quan sát cho rằng kết quả cuộc bỏ phiếu cũng sẽ tương tự như tại Thượng viện.

Cũng trong ngày 5/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới chấm dứt quảng cáo cho nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt và than đá, những tác nhân chính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu, sau khi chứng kiến 12 tháng nóng kỷ lục.

AFP dẫn lời ông Guterres nhận định, con người không chỉ gặp nguy hiểm mà cũng đang là mối nguy hiểm đối Trái đất, nhưng cũng là giải pháp cho vấn đề. Ông đồng thời nhắc lại lời kêu gọi đánh thuế lợi nhuận của ngành nhiên liệu hóa thạch để tài trợ cho các hoạt động chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Trong khi thế giới đã nhất trí loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại thủ đô Dubai của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), việc giảm khí thải vẫn chưa diễn ra.

Tổng thư ký LHQ cho rằng, ngay cả khi lượng khí thải đạt mức 0 ngay bây giờ, nghiên cứu gần đây cho thấy biến đổi khí hậu vẫn sẽ gây thiệt hại ít nhất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.

Theo các chuyên gia LHQ, con số này cao hơn nhiều con số 2.400 tỷ USD cần thiết vào năm 2030 để các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và thích ứng với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, tháng trước là tháng 5 nóng nhất từ trước đến nay và là tháng thứ 12 liên tiếp phá vỡ kỷ lục như vậy. Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 6/2023-5/2024 đã tăng 1,63°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Còn tính riêng 2023, đây là năm nóng nhất khi nhiệt độ trung bình tăng 1,48°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Copernicus cho rằng hiện tượng El Nino có thể khiến nhiệt độ tăng cao hơn nữa.