📞

Biển Đông: Không chỉ lời nói, các nước châu Âu đã có hành động cụ thể!

Thế Linh 20:00 | 07/04/2021
Biển Đông mang lại những lợi ích nhất định cho Liên minh châu Âu (EU). Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều quốc gia châu Âu đã có những hành động cụ thể tại khu vực này.

Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU tháng 9/2020, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cho phép các quốc gia đơn phương làm suy yếu luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải ở Biển Đông, qua đó đe dọa nghiêm trọng tới sự phát triển hòa bình của khu vực”.

Với việc tăng cường hiện diện ở Biển Đông, EU muốn gửi tới Trung Quốc những thông điệp ngầm. (Nguồn: iStock)

Chính vì vậy, một loạt quốc gia châu Âu như Pháp, Đức và Anh đều đang phát đi tín hiệu về những hành động cụ thể hơn ở Biển Đông. Tuyên bố này phù hợp với lập trường nhất quán của EU về vùng biển bị tranh chấp, kêu gọi một giải pháp hòa bình và lên tiếng chỉ trích những hành động và yêu sách (được coi là của Trung Quốc) đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Lợi ích của EU

Trong các vấn đề này, dù EU xa cách về mặt địa lý, nhưng việc giữ cho Biển Đông không xảy ra khủng hoảng hay xung đột chắc chắn có lợi cho họ. Ước tính, có tới 40% hoạt động thương mại bên ngoài của EU đi qua khu vực này, khiến các tuyến thông tin liên lạc biển tự do và an toàn trở thành yếu tố không thể thiếu đối với kinh tế EU.

Tuy nhiên, ngoài những mối quan ngại về vật chất, việc tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì trật tự dựa trên quy tắc là những trụ cột căn bản đối với hệ thống quản trị cũng như với khuôn khổ và hình thức can dự bên ngoài của EU.

Dù các quan chức EU thường xuyên nói về sự cần thiết phải tôn trọng các quy chế quản lý vùng biển quốc tế, nhưng phản ứng của EU lại có phần rời rạc, bởi phần lớn quyết sách về đối ngoại và an ninh thuộc quyền quyết định của các nước thành viên riêng lẻ.

Mặc dù vậy, năm 2021 có thể sẽ dẫn tới sự thay đổi, với việc các cường quốc hàng đầu châu Âu phát đi tín hiệu sẵn sàng thúc đẩy hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Dù chỉ là một trong nhiều công cụ mà các bên không đưa ra yêu sách có thể sử dụng trong vấn đề tranh chấp biển, nhưng các FONOP cũng truyền tải được thông điệp và là động thái tượng trưng nhằm nâng cao sự hiện diện của các tàu hải quân châu Âu ở châu Á, khẳng định rằng các nước có quyền đi qua khu vực được chỉ định là vùng biển quốc tế.

Mặc dù Mỹ thường xuyên sử dụng công cụ FONOP ở Biển Đông, nhưng các quốc gia châu Âu cho đến nay vẫn rất hiếm khi tiến hành FONOP.

Những động thái cụ thể

Pháp đã mở đường cho châu Âu ở Biển Đông. Quốc gia này tự nhận mình là “cường quốc thường trực” ở châu Á nhờ các vùng lãnh thổ hải ngoại ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và các cơ sở quân sự ở Polynesia, New Caledonia và đảo Reunion thuộc Pháp.

Theo đó, Paris đã chỉ ra tác động nguy hiểm tiềm tàng mà hành vi của Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và các nơi khác, trong đó có những vùng biển thuộc Bắc Băng Dương và Địa Trung Hải.

Tàu khu trục Surcouf tham gia tập trận thường niên Jeanne d’Arc của Pháp ở Biển Đông. (Nguồn: Twitter)

Tháng 2/2021, Pháp đã điều một tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu hỗ trợ hải quân đi qua Biển Đông và dự kiến sẽ tiến hành một chuyến quá cảnh khác với tàu tấn công đổ bộ và khinh hạm như một phần của sứ mệnh Jeanne d’Arc và tập trận chung với Nhật Bản và Mỹ.

Ngoài ra, Hải quân Hoàng gia Anh dự kiến sẽ điều tàu khu trục hiện đại HMS Queen Elizabeth, vốn đã đi vào hoạt động trong năm 2020, tới Thái Bình Dương trong tháng 5/2021. Con tàu này được cho là sẽ đi qua Biển Đông.

Gần đây hơn, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU tuyên bố sẽ cử một khinh hạm tới châu Á trong tháng 8/2021. Nếu vậy, đây sẽ là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông trong gần hai thập kỷ qua. Động thái này được các quan chức ở Washington ca ngợi và thể hiện sự thay đổi quan điểm của Berlin đối với vùng biển bị tranh chấp, nhất là với tư cách một nước thành viên EU có hải quân theo truyền thống tập trung nhiều hơn vào các khu vực lân cận.

Nhìn chung, chỉ riêng FONOP không thể ngăn chặn hành vi táo bạo và đôi khi mang tính gây hấn của các tàu Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đã có hơn 44 lần xâm phạm khu vực này trong vài tháng đầu năm 2021.

Ngoài các FONOP diễn ra thường xuyên và nổi bật hơn, một số nước thành viên EU đã tiến xa hơn bằng cách xây dựng các chính sách dành riêng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặc dù các chính sách này gần giống với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Mỹ, nhưng các mô hình được đưa ra của Pháp (tháng 5/2018), Đức (tháng 9/2020) và Hà Lan (tháng 11/2020) cũng cho thấy tiềm năng về một lập trường thống nhất hơn của châu Âu đối với khu vực này.

Ngoài ra, Brussels cũng đã tìm cách tăng cường mối liên kết ngoại giao của mình với khu vực với tư cách là thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN kể từ khi ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) năm 2012.

Đặc biệt, trong một động thái ngoại giao tập thể, tháng 9/2020, Pháp, Đức và Anh đã đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh rằng “các quyền lịch sử” đối với vùng Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của UNCLOS.

Bà Sophie Boisseau du Rocher, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế có trụ sở tại Paris cho rằng: “Công hàm này đã đặt ra tiền lệ: Đây là lần đầu tiên ba quốc gia lớn của châu Âu lên tiếng bày tỏ quan điểm của châu Âu ở cấp độ Liên hợp quốc”.

Theo bà du Rocher, “nếu nội dung của nó không có gì mới mẻ - tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp theo các nguyên tắc và quy tắc của UNCLOS là nền tảng của chính sách châu Âu - thì việc các nước này đặt câu hỏi về tính hợp pháp trong câu chuyện của Trung Quốc tại Liên hợp quốc chính là thông điệp”.

EU cần phải tìm ra được tiếng nói chung ở Biển Đông, cũng như trong quan hệ với Trung Quốc.

Quan trọng là hợp tác

Sắc thái của mối quan hệ EU-Trung Quốc đã trở nên đa dạng hơn trong những năm gần đây, nhất là khi Brussels xác định Bắc Kinh là “đối thủ mang tính hệ thống, thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế” trong báo cáo tháng 3/2019. Lo ngại về hòa bình và ổn định ở Biển Đông giờ đây là một trong số những nguyên nhân ngày càng gây căng thẳng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, khối EU gồm 27 nước thành viên vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đạt 710 tỷ USD trong năm 2020. Bắc Kinh và Brussels đã kết thúc năm 2020 bằng việc hoàn tất đàm phán về một hiệp ước đầu tư, giúp làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Sự hiện diện ngày càng gia tăng của các đối tác châu Âu ở Biển Đông có thể gây nguy cơ tính toán sai lầm trong nội bộ EU. Hơn nữa, việc các đối tác châu Âu tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự liên kết giữa các ưu tiên, nhất là giữa các nước thành viên hàng đầu EU như Pháp và Đức.

Ông Mathieu Duchâtel - Giám đốc chương trình châu Á thuộc Viện Montaigne và bà Garima Mohan - nhà nghiên cứu thuộc Quỹ German Marshall, lập luận rằng một nghị trình khái quát, tập trung vào các vấn đề ngoài an ninh và tích hợp các tuyến đường vận chuyển mở với các thị trường mở và thương mại tự do, tính kết nối kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng, cũng như biến đổi khí hậu sẽ làm nổi bật thế mạnh của châu Âu và có thể trở nên hữu ích đối với sự can dự của châu Âu trong khu vực.

(theo The Diplomat)