📞

Biển Đông nhìn từ các phía (Kỳ cuối)

Vũ Đăng Minh 08:00 | 28/02/2021
TGVN. Biển Đông chịu nhiều tác động, từ nhiều hướng khác nhau, nên tình hình luôn biến động. Biến động theo chiều hướng nào, mức độ nào, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cả bên trong và bên ngoài.

Tập hợp lực lượng, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông

Năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều nước bày tỏ quan điểm lo ngại, phản đối yêu sách và hoạt động gây mất an ninh, ổn định ở Biển Đông. Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tổ chức diễn tập quân sự trên biển. Pháp, Canada, Anh, Đức và một số nước khác đang và sẽ cử đội tàu chiến thực hiện FONOPs, tham gia diễn tập ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Lực lượng sử dụng có cả tàu sân bay, tàu ngầm cho thấy các nước coi trọng Biển Đông.

Tham gia FONOPs, tuyên bố trong các hội nghị, diễn đàn, gửi công hàm phản đối… là biểu hiện của việc tập hợp lực lượng ngoài khu vực, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Đó là những tín hiệu gửi tới Bắc Kinh, tạo áp lực nhất định đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, động thái của các nước vẫn mang tính đối phó với các hành động cụ thể của Trung Quốc, chưa hình thành một chiến lược chung, mặt trận chung, là đối trọng thường xuyên, thực sự với chiến lược Biển Đông của Trung Quốc.

Hành động của các nước xuất phát từ lợi ích về tự do, an ninh, an toàn hàng hải, lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc và nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhưng cũng là biện pháp thể hiện vai trò ở một địa bàn chiến lược, nhằm đối phó với các thách thức khác, trên các khu vực khác của Trung Quốc và có thể là con bài mặc cả khi cần.

Nhân tố ASEAN

Năm 2020, vấn đề Biển Đông là một nội dung quan tâm thường xuyên trong chương trình nghị sự, thông cáo, tuyên bố chung. ASEAN nỗ lực xây dựng lập trường chung, coi an ninh, ổn định, hợp tác trên Biển Đông là lợi ích chung của khu vực; luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 là cơ sở để đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Việt Nam và các nước ASEAN hoan nghênh, ủng hộ các tuyên bố, hoạt động của các nước ngoài khu vực tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển Đông, phù hợp với UNCLOS 1982, đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.

Các nước Đông Nam Á ngày càng nhận thức rõ vai trò ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam, Malaysia, Philippines, Inonesia… có lập trường rõ ràng, hành động tích cực hơn. Đó là một bước tiến của ASEAN, trong đó có vai trò lớn của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.

ASEAN nỗ lực xây dựng lập trường chung, coi an ninh, ổn định, hợp tác trên Biển Đông là lợi ích chung của khu vực.

Tuy nhiên, sức mạnh nhiều mặt của ASEAN vẫn kém Trung Quốc. ASEAN vẫn chưa hình thành một phương thức hành động thống nhất toàn khối, có tính hữu hiệu cao trong xử lý vấn đề Biển Đông. Một số nước vẫn còn biểu hiện tính toán lợi ích riêng, bị nước lớn tác động, chi phối.

Với các nước ASEAN là quốc gia biển, Biển Đông là chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, là vấn đề chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, gắn với môi trường hòa bình, ổn định, phát triển của đất nước.

Tranh chấp chủ quyền phức tạp gấp nhiều lần thách thức về tự do, an ninh, an toàn hàng hải của các nước ngoài khu vực. Tranh thủ sự ủng hộ quốc tế là cần thiết, nhưng dựa vào bên ngoài để bảo vệ chủ quyền quốc gia là tư duy sai lầm, vẫn tồn tại ở một bộ phận.

Năm 2021 và tiếp theo sẽ thế nào?

Biển Đông chịu nhiều tác động, từ nhiều hướng khác nhau, nên tình hình luôn biến động. Biến động theo chiều hướng nào, mức độ nào, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cả bên trong và bên ngoài.

Trung Quốc về cơ bản vẫn tiếp tục “đa chiến pháp”, nhịp độ khi căng, khi chùng, nhưng tổng thể vẫn là hành động kiên quyết, cứng rắn. Nếu nội bộ không có đột biến và áp lực bên ngoài chưa đủ độ (là khả năng hiện hữu), thì Trung Quốc không, hoặc khó nhượng bộ.

Năm 2021, ASEAN cơ bản vẫn giữ định hướng chính sách, chiến lược ở Biển Đông, được xác định từ năm 2020. Nhưng biến động ở Myanmar, khó khăn do đại dịch Covid-19 và một số vấn đề phức tạp khác, nên việc thực thi bị ảnh hưởng.

Mỹ và các nước phương Tây cơ bản vẫn tiếp tục xu hướng như 2020. Các nước còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết. Ưu tiên vẫn là phòng chống đại dịch và phục hồi nền kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Cọ xát giữa lợi ích kinh tế và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, duy trì trật tự thế giới trên cơ sở luật pháp, công bằng, tác động đến chính sách của nhiểu nước.

Nhìn chung, năm 2021 chưa hội tủ đủ các yếu tố để tình hình sáng sủa hơn, Biển Đông chưa thể sớm bình lặng. Giải quyết tranh chấp chủ quyền là công việc phức tạp, lâu dài, cần sự kiên trì, nỗ lực của tất cả các bên, cả trong và ngoài khu vực. Cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi về thiết lập và tuân thủ một trật tự dựa trên luật pháp, luật lệ, giá trị chung và lợi ích chung.

Việc cần làm trước hết là xây dựng và duy trì môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác. Coi trọng biện pháp ngoại giao, pháp lý, duy trì thường xuyên đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học công nghệ, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Kiềm chế và chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ không mong muốn trên biển. Đi đôi với hợp tác, cần đấu tranh để xây dựng một cơ chế giám sát có hiệu quả và giải quyết tranh chấp bắt buộc nhằm ổn định tình hình Biển Đông.

Đàm phán COC khó có thể kết thúc trong năm 2021 như tuyên bố của Trung Quốc, do độ chênh lớn về yêu sách chủ quyền. Kiên trì, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ các nước ASEAN để vượt qua trở ngại, bảo đảm COC thực chất, hiệu quả, hiệu lực. Mở rộng quy định về chống va chạm không định trước trên biển giữa các lực lượng quân sự cho cả tàu thuyền dân sự, thương mại, đánh cá.