📞

Biển Đông sẽ là ưu tiên trong chính sách của tân Chính quyền Mỹ

Hoài Sa 19:50 | 29/01/2021
TGVN. Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ nắm giữ vị trí quan trọng trong danh sách ưu tiên của Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông Antony Blinken trong cuộc họp báo đầu tiên với vai trò Ngoại trưởng Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Trong ngày đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Mỹ (27/1) vừa qua, ông Anthony Blinken tuyên bố, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ duy trì các chính sách đối với Trung Quốc từng được triển khai dưới thời chính quyền Donald Trump, trong đó có các vấn đề liên quan đến tranh cãi về sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Hoa Nam (Biển Đông), Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cách tiếp cận chiến lược để thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước thành viên nhóm Bộ Tứ (Quad - gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia).

Quan điểm này đã được Ngoại trưởng Blinken nói rõ trong một loạt cuộc điện đàm với những người đồng cấp tại Philippines, Thái Lan và Australia trong đêm 27/1.

"Vào việc" ngay sau khi nhậm chức

Đặc biệt, việc tân Ngoại trưởng Mỹ thực hiện các cuộc điện đàm ngay sau khi nhậm chức với lãnh đạo các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, qua đó cho thấy Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ có vị trí quan trọng trong danh sách ưu tiên của chính quyền ông Biden.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, ông Blinken nói rằng Mỹ phản đối các tuyên bố chủ quyền trong vấn đề biển của Trung Quốc, bởi các yêu sách này vi phạm tuyên bố chủ quyền của các nước Đông Nam Á.

Bản ghi chép cuộc điện đàm viết rõ: “Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước quốc phòng song phương đối với vấn đề an ninh của cả hai nước, khẳng định hiệp ước này sẽ được áp dụng trong các trường hợp lực lượng vũ trang, tàu dân sự hoặc máy bay Philippines bị tấn công tại Thái Bình Dương, trong đó gồm cả Biển Đông. Nhà ngoại giao Mỹ cam kết sẽ sát cánh cùng các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền Biển Đông để đương đầu với sức ép của Trung Quốc”.

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, ông Blinken đã nhấn mạnh rằng "Mỹ phản đối các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông bởi phạm vi những đòi hỏi này vượt quá những vùng biển mà Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế".

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai, Ngoại trưởng Mỹ đã thảo luận về "tầm quan trọng của việc phối hợp nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng chung, đảm bảo an ninh và các giá trị chung trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết, trong cuộc nói chuyện với người đứng đầu ngành ngoại giao Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của hợp tác, thông qua các tổ chức và cơ chế đa phương như Bộ Tứ, nhằm giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu, Covid-19, và an ninh y tế toàn cầu". Hai ngoại trưởng cũng thảo luận về sự cần thiết của hợp tác chặt chẽ trong những hồ sơ ưu tiên của chính sách đối ngoại toàn cầu như thúc đẩy nhân quyền, trật tự luật pháp và an ninh khu vực.

Những bình luận trên của Ngoại trưởng Blinken đối với các đồng minh ở Đông Nam Á cho thấy lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì trong chính quyền mới. Ngoài ra, những động thái phô trương quân sự mới đây của cả hai nước ở Biển Đông đều cho thấy chính quyền Biden sẽ tiếp tục duy trì các chính sách đối phó Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken hồi tuần trước cũng có nhấn mạnh rằng, ông nhất trí với chiến lược cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump, song ông không đồng ý với những chiến thuật của vị cựu Tổng thống này.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đi vào Biển Đông ngày 23/1. (Nguồn: US Navy)

Tăng cường hợp tác với các đồng minh

Hiện nay, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ chính sách Trung Quốc mới của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Biden, đồng thời kêu gọi Washington nối lại các kênh liên lạc và cài đặt lại mối quan hệ song phương.

Ngay sau khi nhậm chức ngày 20/1, chính quyền ông Biden đã tăng cường thúc đẩy chương trình nghị sự nhằm khôi phục sự hiện diện của Mỹ trong các cơ chế đa phương và nối lại các quan hệ với các đồng minh để đối phó với Trung Quốc.

Cũng ngay trong ngày đầu nhậm chức, Ngoại trưởng Blinken còn có các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian.

Thông tin về cuộc trao đổi với nhà ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Maas cho biết: “Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ trong hàng loạt vấn đề như vai trò toàn cầu của Trung Quốc, Kế hoạch Hành động Toàn diện chung, chiến dịch chung tại Afghanistan và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Một tuyên bố khác của Bộ Ngoại giao cho biết, Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh rằng "Mỹ mong muốn làm việc cùng Pháp, đồng minh lâu đời nhất và các đối tác khác để giải quyết các thách thức chung, trong đó có dịch Covid-19, khí hậu và Trung Quốc".

(theo Reuters, Live Mint, SCMP)