Phần biểu diễn của Câu lạc bộ Ví, Giặm Nghệ xứ Nghệ tại Hà Nội. (Ảnh: N.T) |
Phát biểu tại đây, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ tại Hà Nội bà Hoàng Kim Thành nhấn mạnh ý nghĩa của ngày Di sản Văn hóa Việt Nam nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ di sản văn hóa dân tộc trong toàn dân. Ngày Di sản cũng tăng cường trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cũng tại buổi lễ, bà Hoàng Kim Thành đã ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đã được tái hiện. Theo đó, Câu lạc bộ và Đoàn Nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ được thành lập và trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2014. Sự kiện này càng trở nên ý nghĩa khi đúng vào năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ sĩ Hồng Năm tham gia buổi biểu diễn. (Ảnh: N.T) |
Năm năm qua, Câu lạc bộ và Đoàn nghệ thuật đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương lân cận thông qua các buổi biểu diễn trong và ngoài nước. CLB cũng đã dựng được nhiều vở diễn có ý nghĩa, khẳng định sức sống trường tồn của điệu Ví, Giặm xứ Nghệ trong thời hiện đại.
Đặc biệt, trong năm 2018-2019, quy mô hội viên của Câu lạc bộ ngày càng mở rộng với nhiều hoạt động sinh hoạt phong phú và thiết thực tại Hà Nội như: Chương trình nghệ thuật Ví, Giặm tại sân khấu chợ Đồng Xuân, ra mắt ấn phẩm "Sông Lam núi Hồng cội nguồn Ví, Giặm quê nhà", xuất bản 200 cuốn gửi tới các tỉnh lân cận và đồng bào ở xa Tổ quốc...
Thời gian tới, Câu lạc bộ cũng đề ra một số nhiệm vụ như ổn định tổ chức, phát triển hội viên, hoàn thành trang web... nhằm lan tỏa làn điệu Ví, Giặm tại Thủ đô Hà Nội.