Một buổi học trong mô hình của 'Tiết học biên giới' tổ chức ngay tại chân cột mốc biên giới Việt Nam-Lào. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Những mô hình đặc biệt
Lần đầu tiên đến Quảng Trị hồi tháng 4 giữa cái nắng oi nồng, tôi may mắn được chứng kiến một lớp học đặc biệt – lớp học ngay tại chân cột mốc biên giới giữa hai nước anh em Việt Nam – Lào.
Thầy giáo là bộ đội biên phòng và lớp học diễn ra ngay bên cạnh cột mốc, khu vực biên giới giữa Việt Nam với nước anh em Lào. Đây là một trong những tiết học của mô hình “Tiết học biên giới” do Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị triển khai trong nhiều năm qua.
Đại tá Lê Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, trong những năm qua, ngoài việc thực hiện tốt các mô hình, phong trào do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã có nhiều sáng kiến xây dựng các mô hình, chương trình có ý nghĩa rất thiết thực, đặc biệt là mô hình “Tiết học biên giới”, “Ổ bánh mì biên giới”, “Ánh sáng vùng biên”....
Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị đã tổ chức được 1678 “Tiết học biên giới” cho 12.880 em học sinh tham gia. Ngoài ra, hàng quý tổ chức các buổi ngoại khóa tại thực địa, đưa các em học sinh và thầy, cô giáo đi tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, tham quan mốc quốc giới và nghe giới thiệu về quy trình tuần tra đường biên, cột mốc...
Theo Đại tá Lê Văn Phương, các mô hình mang kiến thức đến với vùng cao biên giới đã giúp truyền đạt được những kiến thức cơ bản về pháp luật biên giới quốc gia, dấu hiệu nhận biết đường biên, cột mốc cũng như các quy định, hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới.
Chính vì vậy nhận thức về chủ quyền biên giới lãnh thổ của các em được nâng lên rõ rệt, đặc biệt giúp tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa rộng khắp trong các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngoài mô hình "tiết học biên giới", Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình "Ổ bánh mì biên giới". Đây là một trong những dấu ấn và là mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người lính biên phòng Quảng Trị, đối với nhiều em nhỏ có hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những em phải nhịn ăn sáng để đến trường.
""ô hình 'Ổ bánh mì biên giới' góp một phần nào nhỏ bé để giúp đỡ, hỗ trợ thêm các em học sinh được no bụng hơn trong những ngày đến lớp", Đại tá Lê Văn Phương nhấn mạnh.
Đại tá Lê Văn Phương cho biết, ngoài các mô hình trên, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai xây dựng được hơn 36km đường điện thắp sáng bằng chính việc vận động cán bộ chiến sĩ đóng góp.
Đây là một trong những chương trình mang đậm nghĩa tình quân dân, đồng thời thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa người lính biên phòng với nhân dân khu vực biên giới và các vùng nông thôn ven biển tỉnh Quảng Trị.
Chính nhờ ý nghĩa nhân văn thể hiện tình quân dân thắm thiết, chương trình "Ánh sáng vùng biên" đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người dân cũng như ngành điện. Từ vùng biển xa xôi hay vùng biên giới hiểm trở, chương trình đều nhận được sự chung tay của cộng đồng.
Đại tá Lê Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Phan Vĩnh) |
Chương trình “Ánh sáng vùng biên” được triển khai ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa góp phần giúp các xã biên giới ngày càng khang trang, phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục những khó khăn và thực hiện tốt chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh.
Đột phá trong công tác dân vận
Đại tá Lê Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, trong những năm qua, ngoài việc thực hiện tốt các mô hình, phong trào do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã có nhiều sáng kiến xây dựng các mô hình, chương trình có ý nghĩa rất thiết thực.
Có thể khẳng định, các chương trình, mô hình này là bước đột phá trong công tác dân vận, xây dựng “Thế trận Biên phòng toàn dân” vững mạnh trên tuyến biên giới. Các chương trình, mô hình này đã hoạt động rất hiệu quả, được Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt, mô hình “Tiết học biên giới”, “Ổ bánh mì biên giới” lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn biên giới Quảng Trị đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đánh giá cao về ý nghĩa nhân văn, cũng như hiệu ứng xã hội, vì vậy đã được Bộ Tư lệnh nhân rộng ra các đơn vị trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Đại tá Lê Văn Phương cho biết, trong thời gian tới, các mô hình này sẽ tiếp tục duy trì có hiệu quả, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực để nhân rộng trên hai tuyến biên giới, biển đảo của tỉnh.
Không chỉ vậy, trong thời gian tới, căn cứ vào tình hình cụ thể, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai điểm một số mô hình sinh kế như: “Dê giống khởi nghiệp”; “Rừng keo gia đình hộ nghèo”, “Nồi cháo tình thương”... giúp người dân trong tỉnh cải thiện đời sống.
| Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tổ chức cuộc thi ‘Em yêu biển, đảo quê hương’ tại Quảng Ninh Baoquocte.vn. Cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trực truyến cho gần 170 học sinh của trường THCS Tiến Tới, xã Đường Hoa, huyện ... |
| Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao Bằng khen cho lực lượng tham gia chuyên án AG821 Sáng 3/11, tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, thừa ủy quyền của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Bộ ... |