📞

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chế độ chính sách thuận lợi hơn cho đội ngũ giáo viên

16:58 | 17/11/2022
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đơn vị này được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao nhiệm vụ xây dựng chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Bộ GD&ĐT đang đề xuất tuyển dụng, hợp đồng với giáo viên 'dưới chuẩn'. (Nguồn: Lao động)

Ngày 16/11, tại Hà Nội, trong buổi gặp mặt “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Bộ GD&ĐT đang đề xuất với Chính phủ có thể tuyển dụng, hợp đồng với những giáo viên “dưới chuẩn” theo Luật Giáo dục 2015.

Theo ông Tuấn Anh, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục được Bộ trưởng GD&ĐT giao nhiệm vụ xây dựng chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên.

Cục luôn quan tâm đến việc đánh giá tác động như các chính sách ban hành có đi vào cuộc sống được hay không, hay bản thân các thầy cô nhận thức thế nào về những chính sách mà Bộ đã và chuẩn bị ban hành.

Ông Tuấn Anh cho hay: “Lấy ví dụ các hệ thống thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng các cấp học, rồi các thông tư về định mức biên chế, số lượng người làm việc, rồi tiêu chuẩn chức danh… chúng tôi luôn luôn quan tâm đến điều đó.

Thời gian qua, khi sửa hệ thống thông tư về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, chúng tôi cũng lấy ý kiến các thầy cô và đã đưa vào dự thảo sửa thông tư một số vấn đề hết sức cơ bản.

Chẳng hạn, đối với giáo viên mầm non, trước kia từ hạng 4 (hạng thấp nhất theo quy định cũ) lên hạng 3 là cần 9 năm. Các thầy cô cho rằng như thế là quá dài và biết bao giờ giáo viên mới lên được đến hạng 3. Trong chùm thông tư sắp tới sửa đổi tới đây, giáo viên mầm non từ hạng 3 (hạng thấp nhất theo quy định mới) lên hạng 2 chỉ còn mất 3 năm. Như vậy đã rút gọn 6 năm”.

Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nói thêm: “Hay đối với giáo viên tiểu học, THCS hạng 2, trước kia quy định phải trình độ thạc sỹ. Song qua khảo sát, các thầy cô nói rằng điều đó là quá cao và liệu ở cấp học tiểu học, THCS có cần đến trình độ thạc sĩ hay không. Chúng tôi đã sửa lại quy định là chỉ cần trình độ đại học. Đó là một điểm rất mới”.

Theo ông Tuấn Anh nói, Bộ cũng sửa Thông tư 16 về vị trí việc làm đối với giáo viên phổ thông công lập và Thông tư 06 đối với giáo viên mầm non công lập.

“Chúng tôi cũng quan tâm đến việc tính theo vùng miền. Trước đây, các thầy cô biết rằng, vị trí việc làm, định mức, số lượng người làm việc là “cào bằng” trên toàn quốc. Nhưng hiện nay, chúng tôi tính theo vùng miền, theo sĩ số của lớp, của địa phương cụ thể”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo ông, Bộ GD&ĐT cũng nhận thức việc “cào bằng” dẫn đến có thể rất thuận lợi cho vùng thuận lợi nhưng lại gây khó khăn cho vùng khó khăn.

Luật Giáo dục 2019 cũng đưa ra những quy định mới về chuẩn trình độ giáo viên. Cụ thể, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng thay vì trung cấp sư phạm như trước đây. Giáo viên cấp tiểu học và THCS đều phải có bằng đại học trở lên.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho biết, Bộ cũng đang đề xuất với Chính phủ có thể tuyển dụng, hợp đồng những giáo viên “dưới chuẩn” theo luật Giáo dục 2015.

“Bởi ở các vùng sâu, vùng xa, số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn còn rất nhiều”, Phó Cục trưởng lý giải.

Trong quá trình triển khai hoạt động nghề nghiệp, các giáo viên nếu có vướng mắc vấn đề gì đều có thể gửi email trực tiếp cho lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục hoặc có văn bản về Bộ GD&ĐT để được giải đáp.

“Chúng tôi cam đoan sẽ trả lời thỏa đáng trong thời gian ngắn nhất”, ông Tuấn Anh nói.

(theo Vietnamnet)