Tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là năm thứ 2 chúng ta triển khai sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới, các đại biểu cần đánh giá toàn diện, đầy đủ những thuận lợi, khó khăn của việc biên soạn, xuất bản, phát hành SGK thời gian qua ,cũng như công tác chuẩn bị, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để giảng dạy theo chương trình, SGK mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá từ năm 2020, chúng ta đã triển khai rất tích cực các bộ SGK lớp 1 mới, rút ra được một số bài học, kinh nghiệm. "Vì sự nghiệp đổi mới ngành giáo dục cần đứng về phía lợi ích của học sinh, phải giải đáp đầy đủ, kịp thời mọi mối quan tâm của dư luận, đặc biệt của đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. (Nguồn: VGP) |
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã rút kinh nghiệm từ triển khai SGK lớp 1 mới, trên tinh thần hết sức minh bạch và cầu thị, sử dụng công nghệ thông tin đưa đến trước hết là giáo viên, phụ huynh, toàn xã hội các bộ SGK mới ngay trong quá trình xem xét, thẩm định, và đã tiếp thu được nhiều ý kiến.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã phê duyệt các bộ SGK lớp 2 và lớp 6 mới. Mặc dù theo quy định của Luật Giáo dục, UBND các tỉnh, thành phố được quyền lựa chọn các bộ SGK nhưng Bộ GD&ĐT đã công khai trên mạng và kêu gọi toàn bộ giáo viên xem xét, cho ý kiến về các bộ SGK.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố chỉ đạo sớm việc lựa chọn các bộ SGK mới, phù hợp để phụ huynh học sinh sớm nắm được thông tin, giáo viên sớm có sự chuẩn bị, tìm hiểu sâu thêm nội dung, phương pháp giảng dạy, các NXB cũng xác định được nhu cầu số lượng SGK để chuẩn bị cho công tác in ấn.
Đối với sách tham khảo, qua theo dõi tình hình, dư luận, mối quan tâm của phụ huynh học sinh cũng như giáo viên từ năm 2020 khi bắt đầu triển khai SGK mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã tiến hành rà soát tình hình sử dụng sách tham khảo trong trường học và đã có chỉ đạo chính thức.
Trong quá trình đổi mới SGK theo hình thức "cuốn chiếu", trong những năm tới đây, yêu cầu đặt ra đối với SGK gắn với phương thức giảng dạy mới thì nội dung trong SGK đã đảm bảo đầy đủ kiến thức cần thiết cho học sinh.
Thông qua nhiều biện pháp tổng hợp, đặc biệt hướng dẫn công tác đánh giá (kiểm tra, thi cử) sử dụng kiến thức SGK, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, trong trường học chỉ sử dụng SGK chính thức, còn sách tham khảo chỉ sử dụng rất hạn chế.
Các trường học có thể mua sách tham khảo để trong thư viện để giáo viên tham khảo, làm phong phú thêm kiến thức và một số rất ít học sinh có năng khiếu đặc biệt cần mua thêm để sử dụng.
"Bộ GD&ĐT cơ bản không khuyến khích học sinh dành quá nhiều thời gian cho sách tham khảo, ngoài một số em học sinh có năng khiếu đặc biệt. Nhất là các cháu ở bậc tiểu học thì đổi mới phương pháp dạy và học để giảm áp lực, để học mà chơi, chơi mà học", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói.
Cùng với việc tái bản SGK định kỳ hằng năm, lãnh đạo Bộ GD&ĐT kêu gọi các em học sinh, phụ huynh "giữ gìn, khuyến khích sử dụng lại SGK", tiết kiệm cho xã hội; là nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ứng dụng CNTT để chia sẻ SGK cũ cho những người có nhu cầu sử dụng, vì trong SGK mới đã hạn chế tối đa những nội dung yêu cầu học sinh viết trực tiếp vào sách để có thể tái sử dụng.
Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ thực hiện liên tục trong nhiều năm và triển khai SGK mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mong muốn nhận được sự quan tâm góp ý của đội ngũ giáo viên, phụ huynh và toàn xã hội đối với quá trình biên soạn, triển khai SGK mới để có những sản phẩm tốt nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, các nhà xuất bản cùng các bộ, ngành liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm để công tác xuất bản, phát hành SGK, đồ dùng dạy học trên tinh thần cầu thị, minh bạch, vì các em học sinh, giáo viên cũng như công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của đất nước.