Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì hội nghị với 19 địa phương Vùng miền Trung và Vùng Tây Nguyên, sáng 15/9. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Các Hội nghị được tổ chức với mục tiêu hướng dẫn, trao đổi với các địa phương để đánh giá khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, trao đổi những thuận lợi, khó khăn tác động đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021.
Đồng thời, trên cơ sở các kết quả đạt được để đề ra mục tiêu, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022 nhằm đảm bảo tập trung, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra; tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong công tác điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch, nhất là trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Việc họp với các địa phương về công tác xây dựng kế hoạch trong 5 năm trở lại đây đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch; các địa phương không cần phải về làm việc với Bộ trong xây dựng kế hoạch mà Bộ chủ động làm việc với các địa phương theo vùng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn: tổ chức thành công Đại hội Đảng XIII, tổ chức bầu Hội đồng nhân dân 3 cấp, kiện toàn bộ máy chính quyền ở cấp Trung ương và địa phương và năm đầu chúng ta thực hiện Nghị Quyết 13 của Đảng, triển khai thực hiện Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, cả nước cũng bắt tay triển khai xây dựng quy hoạch các cấp để làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ hàng năm.
Toàn cảnh Hội nghị Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Số liệu báo cáo của các địa phương và tính toán của Tổng cục thống kê cho thấy, một số lĩnh vực vẫn duy trì được tăng trưởng như xuất khẩu tăng khoảng 10%, thu NSNN đạt dự toán, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm: Công tác chống dịch sẽ còn lâu dài và khó khăn, nền kinh tế sẽ phải mở cửa và hoạt động trong điều kiện mới; Nguồn lực ngân sách nhà nước sẽ ngày càng khó khăn trong khi vẫn phải ưu tiên thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19; Chuỗi sản xuất và cung ứng gián đoạn, thị trường suy giảm, chi phí sản xuất, vận chuyển và giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất gia tăng; Dịch bệnh sẽ tác động đến mọi mặt đời sống người dân, lao động - việc làm, an sinh xã hội, nghèo đói.
Trước những tác động của dịch Covid-19 sâu, rộng và phức tạp khó lường, dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2021 sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, 2 năm liên tiếp 2020-2021 tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu sẽ tác động, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia.
Do đó, Hội nghị đã thống nhất những giải pháp hiệu quả, thúc đẩy nỗ lực phấn đấu hơn nữa của các địa phương trong thời gian tới để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2021.
Đồng thời, để xây dựng thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương:
Thứ nhất, trên cơ sở Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán NSNN năm 2022 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 4880/BKHĐT-TH ngày 26/7, đồng thời, cập nhật các diễn biến thực tế của tình hình dịch bệnh để tiếp tục việc cập nhật, rà soát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Thứ hai, chủ động xây dựng đề án khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thứ ba, căn cứ vào tình hình thực tế nguồn lực của nhà nước, số vốn năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao để xây dựng kế hoạch năm 2022 trên cơ sở phù hợp mức vốn dự kiến giai đoạn 2021-2025, phù hợp khả năng cân đối NSNN năm 2022.
Thứ tư, xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên từ kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư khả năng thực hiện, tiến độ giải ngân của từng dự án.
Thứ năm, yêu cầu xây dựng Kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 phải gắn với các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, định hướng ưu tiên đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm và các khâu đột phá trên cơ sở phù hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đại diện cơ quan Trung ương đã trực tiếp trả lời các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các địa phương, cùng đồng hành với các địa phương giải quyết, tháo gỡ các nút thắt trong phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công.
| 7 tháng đầu năm, Việt Nam tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài Trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 570,1 triệu USD, tăng ... |
| Tăng tốc trong cuộc đua thu hút FDI Việc Tập đoàn công nghệ cao AT&S (Áo) chọn Malaysia làm địa điểm sản xuất đầu tiên ở Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam ... |