Tham gia Đoàn công tác còn có sự tham gia của ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ; ông Hoàng Xuân Hải, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ; ông Nguyễn Trung Kiên Vụ trưởng Vụ Trung Đông - Châu Phi; bà Nguyễn Minh Hằng, Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương...
Về phía tỉnh Yên Bái còn có sự tham gia của ông Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; ông Triệu Tiến Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Vũ Xuân Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Ngoại vụ; ông Hoàng Thị Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở/ban/nghành của tỉnh Yên Bái...
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Văn Trung) |
Đối ngoại hỗ trợ kinh tế - xã hội phát triển
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Yên Bái Vũ Xuân Sáng cho biết, trong năm 2018 tỉnh Yên Bái đã quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác đối ngoại.
Tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về đường lối chính sách đối ngoại, thực hiện nghiêm túc theo các chỉ đạo của Trung ương, ban hành đầy đủ các văn bản về công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, tỉnh có 34 đoàn với hơn 300 lượt cán bộ, viên chức đi làm việc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại ở Pháp, Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản..., đồng thời tổ chức đón tiếp và làm việc với 94 đoàn khách quốc tế với 397 lượt khách nước ngoài.
Cũng trong năm 2018 tỉnh đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, hợp tác với các địa phương như: tỉnh Val de Marne (Pháp), tỉnh Vientiane, Xayabury của Lào và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Về ngoại giao kinh tế, tỉnh đã thực hiện công tác xúc tiến thương mại, đầu tư dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, qua đó đạt được tổng giá trị xuất khẩu hơn 130 triệu USD, thu hút 24,9 triệu USD vốn đầu tư FDI, thực hiện 15 dự án ODA và hiện có 42 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động tại địa phương.
Tuy nhiên với hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp, quy mô kinh tế nhỏ dẫn đến nhiều khó khăn hạn chế về việc kêu gọi đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, giá trị xuất khẩu còn thấp và ở dạng thô, gặp khó khăn trong công tác quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ...
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đề xuất với Bộ Ngoại giao hỗ trợ tỉnh tăng cường quan hệ hợp tác cấp địa phương và thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư vào Yên Bái. (Ảnh: Văn Trung) |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, Yên Bái có tiềm lực về đất đai, đặc điểm thổ nhưỡng khí hậu, môi trường thuận lợi, phía Tây phù hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Tài nguyên khoáng sản đá trắng là đặc thù của tỉnh, đồng thời tài nguyên rừng và tài nguyên du lịch. Một điểm mạnh nữa của Yên Bái là 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực kết hợp với nguồn nhân lực dồi dào. Văn hóa di sản phi vật thể của nhân loại như “Nghệ thuật Xòe thái”, ruộng bậc thang...
Trong điều kiện đó, Yên Bái có tiềm năng rất lớn về khai thác chế biến xuất khẩu khoáng sản, các sản phẩm nông lâm sản, chế biến xuất khẩu gỗ, công nghiệp công nghệ cao, dệt may, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, phát triển lâm nghiệp bền vững, nuôi trồng thủy sản nước ngọt ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ du lịch, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và dịch vụ y tế, đào tạo nghề...
Về việc hợp tác địa phương qua kinh nghiệm hợp tác với địa phương với các tỉnh tỉnh Val de Marne (Pháp), tỉnh Vientiane, Xayabury của Lào, vị Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, việc hợp tác cần thiết thực hiệu quả nhất. Vì vậy, Yên Bái mong muốn hướng tới hợp tác với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nhằm đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực, phát triển kinh tế hành lang Côn Minh - Vân Nam - Hà Nội - Hải Phòng..., và hy vọng cơ hội hợp tác với các địa phương Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái cũng đề xuất với Bộ Ngoại giao hỗ trợ tỉnh Yên Bái tăng cường quan hệ hợp tác cấp địa phương, hỗ trợ thu hút đầu tư FDI, ODA, NGO... nhằm giải quyết đầu ra cho lực lượng lao động tại địa phương. Đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, thị trường EU, thị trường Trung Đông...
Yên Bái cũng mong muốn được quảng bá về văn hóa, đặc biệt là vận động UNESCO công nhận “Nghệ thuật Xòe Thái”, ban hành một số văn bản hướng dẫn triển khai công tác phi chính phủ nước ngoài phù hợp với tình hình địa phương, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương.
Bộ Ngoại giao nỗ lực thúc đẩy hoạt động đối ngoại địa phương
Với mục đích giúp đỡ tỉnh Yên Bái trong hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao như: Cục Ngoại vụ, Vụ Trung Đông - Châu Phi, Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, Vụ châu Âu... đã đưa ra những thông tin cụ thể, định hướng, phương án, mục tiêu rõ ràng để tư vấn cho tỉnh Yên Bái một số tiềm năng, tiềm lực đối ngoại có thể khai thác, hợp tác thiết thực hiệu quả và lâu dài.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Yên Bái trong hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh: Văn Trung) |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự tiếp đón trọng thị và chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về thông tin, kế hoạch, tài liệu cho buổi làm việc, cũng như những chia sẻ, phát biểu hết sức cụ thể, trực tiếp của UBND tỉnh và các sở, ban nghành về các thực trạng và nhu cầu thiết thực của địa phương.
Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Ngoại giao đề ra tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 là đẩy mạnh hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước, đi sát với các địa phương nhất là hỗ trợ giúp đỡ các tỉnh khó khăn trong quá trình hợp tác quốc tế.
Vì vậy, Thứ trưởng thường trực đề nghị, các thành viên trong đoàn làm việc lần này của Bộ Ngoại giao lắng nghe những đặc điểm, tiềm năng và nhu cầu cụ thể, thiết thực của địa phương và trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, các đơn vị của Bộ phối hợp giúp đỡ làm sao cho công tác đối ngoại làm tốt nhất để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Qua báo cáo của tỉnh Yên Bái, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Yên Bái trong hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kết nối với các quốc gia, vùng lãnh thổ; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia/vùng lãnh thổ có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam trong thời gian qua. Thứ trưởng Thường trực đề nghị tỉnh Yên Bái phối hợp chặt chẽ với các vụ của Bộ Ngoại giao quản lý chặt chẽ đoàn ra, đoàn vào; triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm 2019.
Nhân dịp này, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao đã tặng 50 suất quà trị giá 100 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó của tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Văn Trung) |
Bộ cũng sẽ hỗ trợ tỉnh trong triển khai các hoạt động hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); đẩy mạnh việc xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với một số địa phương của nước ngoài nhằm đưa các hoạt động hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.
Các đơn vị trong Bộ cùng với các Sở/ban/ngành của Yên Bái tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, đổi mới công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm góp phần thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Bộ Ngoại giao cũng sẵn sàng giúp tỉnh Yên Bái đào tạo, tập huấn cán bộ về công tác ngoại giao ….