Bộ tộc bản địa New Zealand và nỗi buồn mùa cá voi mắc cạn
15:28 | 04/01/2019
Trước các vụ cá voi mắc cạn hàng loạt, tộc người Maori xúc động như chứng kiến người thân mất đi, họ kêu gọi chính phủ lắng nghe tiếng nói từ biển cả trước khi quá muộn.
Hori Parata, 75 tuổi, là chuyên gia cá voi hàng đầu của tộc người Maori ở New Zealand. New Zealand đã kêu gọi các bộ tộc trên khắp đất nước cùng chung tay đối phó với tình trạng cá voi mắc cạn ngày càng phức tạp và tăng cao. Các chuyên gia nhận định New Zealand là nơi cá voi mắc cạn nhiều nhất trên thế giới với hơn 5.000 sự cố được ghi nhận từ năm 1840 và trung bình có 300 cá thể động vật tự bơi vào bờ mỗi năm. (Nguồn: Guardian)
Hori Parata tại trang trại Pataua của mình, nơi ông sinh ra và lớn lên. Theo thông tin từ Bộ Bảo tồn New Zealand, lý do cụ thể cho việc cá voi mắc cạn rất khó nắm bắt. Bệnh tật, lỗi điều hướng, đặc điểm địa lý, thủy triều rút nhanh, bị săn đuổi và thời tiết khắc nghiệt được cho là các nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng này. (Nguồn: Guardian)
12 con cá nhà táng bị mắc kẹt gần đây trên bờ biển Nam Taranaki của Kaupokonui. Tháng 11 đánh dấu sự khởi đầu của mùa mắc cạn cá voi. Ngày càng nhiều cá voi mắc cạn trên bờ biển và chết vì kiệt sức, say nắng hoặc hải âu ăn thịt. Điều này khiến những người bản địa New Zealand, những người coi cá voi là tổ tiên và kho báu, vô cùng đau buồn. (Nguồn: Guardian)
Kauri (Te Kaurinui Robert) Parata (trái), con trai của Hori Parata, khắc một thiết kế Maori truyền thống tại nhà của họ ở Whangarei. Kauri là thành viên của nhóm Manu Taupunga, tổ chức khôi phục cơ thể cá voi do cha anh thành lập. Thổ dân Ngatiwai tin rằng các con cá voi mắc cạn đã sẵn sàng chết và muốn trở về với gia đình là tộc người Maori. Họ sẽ sử dụng món quà là cơ thể của cá voi để tạo tác các vật thiêng, làm thuốc hoặc thậm chí là làm phân bón. (Nguồn: Guardian)
Một thùng xương cá voi nhỏ thu được từ xác cá voi. Những người già bản địa cho biết chính phủ không lắng nghe khi họ nói rằng những con cá voi mà họ coi như người thân đang bị bệnh và cố gắng thoát khỏi đại dương ngày càng ô nhiễm và khó lường. (Nguồn: Guardian)
Bộ lọc thức ăn ở răng cá voi được khôi phục từ một con cá hổ kình lùn bị mắc cạn. Đầu năm nay tại Nam Taranaki, hàng loạt con cá voi mắc cạn trong một hiện tượng "chưa từng có" đã khiến cho bộ lạc Maori bản địa náo loạn. Lực lượng an ninh phải can thiệp khi những tên trộm tấn công một con cá nhà táng bằng rìu, cố gắng lấy những chiếc răng có giá trị ra khỏi hàm của nó. (Nguồn: Guardian)
Các mỏ mực lấy từ dạ dày của một con cá nhà táng. Parata và con trai 22 tuổi của ông, Te Kaurinui Robert Parata, được gọi đến để hỗ trợ an ninh trong tình trạng hỗn loạn do cá voi mắc cạn hàng loạt. Patara cho biết hiện tượng cá voi mắc cạn hàng loạt đang nhận được nhiều sự chú ý của địa phương và quốc tế cũng như các khoản quyên góp nhưng tri thức truyền thống của người dân lại bị gạt bỏ vì bị coi là quá tâm linh. (Nguồn: Guardian)
Buck Cullen cùng con gái Kaiarahi (10 tháng tuổi) ở sân sau nhà, nơi anh cất giữ một cặp xương hàm cá voi khổng lồ. Cullen là một thành viên trong đội khôi phục cá voi cùng với Hori Parata. Người Maori chính thức được quyền thu hoạch xác cá voi từ năm 1998 nhưng việc làm này vẫn khiến một số người dân New Zealand và du khách cảm thấy kinh hoàng. (Nguồn: Guardian)
Cảng Whangarei từ Tamaterau nhìn về phía Nam qua những khu rừng ngập mặn mọc lên trên lớp phù sa. Parata tin rằng dầu cá voi và các sản phẩm phụ có thể được sử dụng để chữa trị sâu bệnh cho cây thông Kauri. Họ muốn chính phủ tài trợ và chú ý nhiều hơn đến các kiến thức bản địa về môi trường New Zealand và các giải pháp được người dân địa phương đề xuất. (Nguồn: Guardian)
Hộp sọ của một con cá voi bryde được lưu trữ tại Trung tâm văn hóa Hihiaua, Whangarei. Đối với Patara và gia đình ông, những cái chết chậm chạp và đau đớn của cá voi mang ý nghĩa cá nhân và là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe của biển cả và bộ lạc. "Điều đó gây xúc động cho chúng tôi. Tổ tiên của chúng tôi nói rằng các vụ mắc cạn là dấu hiệu từ biển cả. Vậy biển đang nói với chúng ta điều gì? Chúng ta cần lắng nghe", ông nói. (Nguồn: Guardian)