UBND tỉnh Quảng Nam vừa có tờ trình kính đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với các hiện vật thuộc bộ sưu tập trang sức vàng và hiện vật mã não hình động vật tại khu mộ táng Lai Nghi.
Một số trang sức tìm thấy lại khu mộ táng Lai Nghi. (Nguồn: Báo Văn hoá) |
Di tích được phát hiện năm 2000 và được Bảo tàng Quảng Nam phối hợp với các nhà khảo cổ học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khảo cổ Chung và So sánh thuộc Viện Khảo cổ học quốc gia Đức khai quật từ năm 2002-2004.
Theo Bảo tàng Quảng Nam, lý do lựa chọn vì đây là các hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện trực tiếp tại khu mộ táng Lai Nghi qua khai quật khảo cổ, có tầng văn hóa nguyên vẹn và đã được phân tích niên đại bằng nhiều phương pháp.
Các hiện vật độc đáo về tạo hình, điển hình, có niên đại xác thực, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng qua khai quật khảo cổ học, có giá trị lịch sử, văn hóa, đáp ứng các tiêu chí được công nhận là bảo vật quốc gia.
Để phát huy tốt giá trị các cổ vật quý giá này, trong thời gian tới, Bảo tàng Quảng Nam sẽ triển khai các ứng dụng công nghệ số để bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật như quét 3D, số hóa hiện vật, tổ chức trưng bày trực tiếp và trực truyến, tuyên truyền, quảng bá, phát huy hơn nữa giá trị các hiện vật này trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Khu mộ táng Lai Nghi là địa điểm khảo cổ có đồ tùy táng phong phú và đa dạng. Tỉ lệ hiện vật chôn theo mỗi chum của Lai Nghi cao nhất trong số những địa điểm đã phát hiện và khai quật thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam. Với xuất xứ là hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ, tại vị trí ban đầu, ngay trong tầng văn hóa khiến cho các hiện vật này chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích Lai Nghi và văn hóa Sa Huỳnh. |