📞

Bộ trưởng Indonesia: Số hóa làm giảm tham nhũng và chi phí

Khánh Linh 08:05 | 11/09/2022
Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan đánh giá, số hóa giúp giảm tham nhũng và tăng doanh thu nhà nước...
Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan. (Nguồn: CNBC Indonesia)

Phát biểu tại hội thảo mới đây về đầu tư cáp quang biển ở Indonesia, Bộ trưởng Luhut nhấn mạnh: “Chúng ta có thể số hóa đất nước để làm giảm nạn tham nhũng, làm cho đất nước hiệu quả hơn, thu thuế tốt hơn và khuyến khích thế hệ trẻ làm việc hiệu quả hơn”.

Ông Pandjaitan khẳng định rằng một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số ở Indonesia là các dự án cáp quang biển. Hạ tầng này giống như các tuyến đường cao tốc nhằm kết nối Internet và truyền tải dữ liệu kỹ thuật số với tốc độ nhanh.

Theo ông Luhut, việc số hóa giảm thiểu tham nhũng bởi vì chi tiêu của chính phủ được định hướng thông qua các danh mục điện tử. Trong khi đó, việc giảm chi phí là do SIMBARA tích hợp tất cả dữ liệu quản lý tài nguyên khoáng sản và than ở Indonesia.

Theo Bộ trưởng, hiện Indonesia đang có 4 dự án cáp quang biển với tổng vốn đầu tư 36.600 tỷ rupiah (2,45 tỷ USD). Chúng bao gồm Dự án Echo (hợp tác giữa Meta, Google và XL Axiata), Dự án Bifrost (Meta, Keppel Midgard và Telin), Dự án Apricot (Meta, Keppel Midgard và NTT) và Dự án Sun Cable.

Cũng tại hội thảo, Viện nghiên cứu liên kết Indonesia (LAPI) thuộc Viện Công nghệ Bandung (ITB) cho rằng việc triển khai mạng viễn thống thế hệ 5 (5G), trong đó có việc xây dựng hạ tầng cáp quang biển, có thể giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 9,5%, tương đương với 2,874 triệu tỷ rupiah trong giai đoạn 2021-2030.

Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội hệ thống thông tin cáp quang biển Indonesia (Askalsi) Ahmad Ludfy nhấn mạnh rằng Hệ thống thông tin liên lạc cáp quang biển (SKKL) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ số hóa. SKKL của thế giới hiện có tổng chiều dài 1,2 triệu km và chiếm 99% lưu lượng truyền tải dữ liệu.

Cũng theo ông Ludfy, khoảng 40-60% lưu lượng thông tin quốc tế, trừ lưu lượng vệ tinh, được truyền tải qua SKKL. Do đó, các dự án SKKL có vai trò rất chiến lược. Tuy nhiên, hiện cơ sở hạ tầng cáp quang biển ở Indonesia vẫn do nước ngoài chi phối, từ cáp, tàu, công nghệ lẫn hệ thống an ninh.

Do vậy, ông Ludfy kêu gọi phát huy sức mạnh tổng hợp từ tất cả các bên liên quan nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến cáp quang biển ở Indonesia, đồng thời góp phần thúc đẩy chương trình khuyến khích xóa mù kiến thức kỹ thuật số do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động.

(theo CNBC Indonesia)