Sáng 18/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và tiến hành hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17-18/8.
Đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển hợp tác song phương.
Kể từ khi Việt Nam-Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992, hai nước duy trì đối thoại chính trị thường xuyên ở tất cả các cấp, tăng cường trao đổi tại các diễn đàn song phương và đa phương, góp phần củng cố hòa bình và an ninh toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn Báo TG&VN trước đó, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov chia sẻ, ngay từ khi thiết lập quan hệ hợp tác, Kazakhstan và Việt Nam đã có những hoạt động giao thương, buôn bán qua lại. Tuy nhiên, quá trình này đặc biệt sôi động sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam (VN-EAEU FTA) có hiệu lực từ tháng 10/2016. Năm 2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt 426,1 triệu USD, tăng 11,6% so với năm 2020.
Mặt hàng xuất khẩu chính từ Kazakhstan sang Việt Nam là chì và các sản phẩm từ chì, sắt và thép. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Kazakhstan là điện thoại, thiết bị văn phòng, các sản phẩm quần áo, giày dép. Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất lớn, do đó, hai bên cần tìm kiếm những cơ hội mới để tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại song phương tương xứng với tiềm năng hiện có.
Thế mạnh lớn nhất trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau về chính trị ở mức độ cao. Hai nước có chung quan điểm và lập trường trong các vấn đề quốc tế. Kazakhstan coi Việt Nam là một đối tác quan trọng. Kazakhstan đánh giá cao việc Việt Nam ủng hộ các sáng kiến quốc tế của Kazakhstan, đặc biệt là tiến trình Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA).
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và còn nhiều dư địa cho phát triển thương mại giữa hai nước, trong đó hai bên cần tranh thủ ưu đãi thuế quan mà VN-EAEU FTA mang lại cho mỗi bên. Ngoài ra, chính phủ hai nước cần đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư và phát triển du lịch.
Ngoài cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, hai nước cần thiết lập thêm các cơ chế hợp tác mới như: quỹ đầu tư chung, ngân hàng xuất- nhập khẩu, ngôi nhà kinh doanh… Bên cạnh đó, Chính phủ hai nước cần hỗ trợ các cơ quan chức năng nối lại các chuyến bay thẳng và áp dụng chế độ miễn thị thực cho công dân hai bên, thúc đẩy ngành du lịch hai quốc gia.