Đại sứ Áo tại Việt Nam Hans-Peter Glanzer. (Ảnh: CT) |
Thưa Đại sứ, chuyến thăm chính thức Áo lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương?
Tôi cho rằng, điều quan trọng là các chuyến thăm cấp cao đang được thực hiện trở lại sau một thời gian bị gián đoạn bởi những hạn chế đi lại trong thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19.
Tôi coi chuyến thăm chính thức Áo lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn là cơ hội tuyệt vời để đánh giá quan hệ hai nước thời gian qua cũng như tạo động lực chính trị mạnh mẽ cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Bên cạnh các cuộc tham vấn song phương với người đồng cấp Áo - Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ gặp Bộ trưởng Lao động - Kinh tế Martin Kocher và Bộ trưởng Liên minh châu Âu Karoline Edtstadler.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đúng vào dịp hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/12/1972-1/12/2022).
Để kỷ niệm sự kiện quan trọng này, trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo sẽ tổ chức một sự kiện văn hóa với chương trình ca nhạc do các nhạc sĩ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn.
Tôi cho rằng, chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ là điểm khởi đầu cho các chuyến thăm tiếp theo ở cấp cao giữa hai nước. Chúng tôi đang mong đợi một chuyến thăm cấp cao như vậy của lãnh đạo Áo đến Việt Nam trong tương lai gần.
Thời gian qua, hai nước đã tích cực thúc đẩy các hoạt động kinh tế-thương mại một cách thực chất, đặc biệt thông qua việc trao đổi các đoàn xúc tiến, Đại sứ có thể cho biết cụ thể hơn về những nỗ lực này?
Thương mại và đầu tư song phương là chìa khóa cho sự phục hồi bền vững của hai nền kinh tế Áo và Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều đã phát triển đáng kể, đạt kỷ lục mới vào năm ngoái với 1,4 tỷ Euro và thặng dư cao đối với Việt Nam.
Đã có khoảng 50 công ty Áo có chi nhánh tại Việt Nam nhưng chắc chắn tiềm năng đầu tư từ Áo vào Việt Nam còn lớn hơn nữa.
Đại sứ Áo tại Việt Nam Hans-Peter Glanzer và đoàn doanh nghiệp Áo thăm TP. Hồ Chí Minh, tháng 5/2022. (Ảnh: Linh Chi) |
Vì vậy, tôi hoan nghênh các sự kiện nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn như Diễn đàn doanh nghiệp tại Phòng Thương mại Áo với nội dung giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Nhân dịp này, tôi cũng muốn đề cập việc Bộ phận Thương mại của Đại sứ quán Áo đưa các phái đoàn thương mại, bao gồm các công ty Áo đến thăm Việt Nam.
Đã có một phái đoàn về công nghệ xanh và một phái đoàn về hạ tầng đường sắt đến Việt Nam. Theo kế hoạch, vào tháng 10 tới, sẽ có một phái đoàn khác với nhiều công ty đến Việt Nam.
Trong những tháng gần đây, Đại sứ quán đã thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc quy mô lớn tại Việt Nam. Vì sao Đại sứ lựa chọn âm nhạc là một điểm nhấn trong giao lưu văn hóa hai nước trong năm kỷ niệm này?
Đúng như vậy, chúng tôi đang nỗ lực tổ chức các sự kiện văn hóa, ví dụ như triển lãm đi kèm với các buổi hòa nhạc về các nhà soạn nhạc của Áo tại Thư viện Quốc gia Việt Nam hay những buổi hòa nhạc của Nhóm Tứ tấu Saxophon đến từ Áo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn hóa là một phương thức rất hiệu quả trong việc thể hiện sự phong phú và đa dạng của các quốc gia. Cây cầu văn hóa giúp tạo ra sự hiểu biết tốt hơn về nhau, điều rất quan trọng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc.
Các hoạt động văn hóa của chúng tôi cũng nhằm tạo ra những cơ hội mới, đặc biệt là cho các nghệ sĩ trẻ kết nối với thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ quốc tế.
Tổ chức sự kiện văn hóa cũng là một cách tuyệt vời để kỷ niệm dấu mốc 50 năm quan hệ song phương.
Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với buổi hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Dàn nhạc giao hưởng Vienna tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 26/11 tới đây.
Đại sứ cảm nhận như thế nào về cuộc sống ở Việt Nam?
Tôi đang tận hưởng kỳ nghỉ của mình ở Việt Nam. Từ những chuyến tham quan đầu tiên, tôi đã có ấn tượng về vẻ đẹp của đất nước, sự đa dạng và di sản văn hóa phong phú của dải đất hình chữ S.
Người dân Việt Nam rất thân thiện và gần gũi. Hà Nội đã bảo tồn được nét duyên dáng truyền thống và di sản kiến trúc của mình. Tôi thích nhiều công viên và hồ nước - nó mang lại cho thành phố một hương vị đặc biệt.
Tôi cũng rất thích những món ăn đặc sắc của Việt Nam.
Xin cảm ơn Đại sứ!