📞

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: "Đã xử lý một số trường hợp có hành vi lệch chuẩn"

12:06 | 06/06/2019
TGVN. Sáng nay (6/6), Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề như công tác quản lý nghệ thuật, phát triển du lịch...  
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. (Nguồn: quochoi.vn)

Phim ngoại lấn át phim Việt

Trả lời chất vấn về việc "phim ngoại đang lấn át phim Việt trên thị trường phim", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, mỗi năm có 240 bộ phim ngoại được nhập về Việt Nam, còn trong nước chỉ sản xuất được khoảng 40 phim.

Đồng thời, Bộ trưởng Thiện cũng cho hay, luật hiện hành không có quy định hạn ngạch nhập khẩu phim, nên phim ngoại nhập ồ ạt. Hai giải pháp được ông Thiện nêu là lập hàng rào kỹ thuật kiểm duyệt nội dung phim, trường hợp phim nhập khẩu không đạt nội dung thì không cấp phép; cùng với đó là quy định tỷ lệ phim Việt phải chiếm 20% tổng số buổi chiếu tại các rạp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tăng cường sản xuất, quảng bá phim thông qua đặt hàng từ các nhà sản xuất; thu hút nhà đầu tư sản xuất phim...

Đại biểu Nguyễn Văn Thân đặt vấn đề, hiện nhiều nghệ sỹ nổi tiếng làm việc ở các trường, viện, đoàn nghệ thuật đang có xu hướng ra ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận thực tế này, nhưng cho rằng không phải là xu hướng phổ biến. "Chúng ta không vui, nhưng phải chấp nhận sự lựa chọn này", ông Thiện nói.

Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, không còn cách nào khác là phải tạo môi trường để các nhà làm nghệ thuật phát huy tài năng của mình; nghiên cứu sửa đổi mức đầu tư tài chính, đổi mới điều kiện làm việc...

Nhiều vấn đề nhạy cảm được... mổ xẻ

Đề cập đến việc đã có rất nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nói: “Theo báo cáo của Bộ Văn hoá gửi tới Quốc hội, mỗi năm chỉ cấp phép 6 cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng trên thực tế nhiều cuộc thi hoa khôi các cấp, cuộc thi người đẹp trá hình vẫn diễn ra. Vậy theo Bộ trưởng, mục đích các cuộc thi này là gì? Bộ trưởng có thấy các cuộc thi như vậy là tràn lan hay không và bao giờ Bộ sẽ khắc phục được triệt để vấn đề trên?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Không chỉ ở Việt Nam, các nước trên thế giới cũng tổ chức các cuộc thi sắc đẹp với mục tiêu tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ và quảng bá du lịch. Theo quy định của Nghị định 79, mỗi năm tổ chức từ 1 đến 2 cuộc thi hoa hậu quy mô toàn quốc và 4,5 cuộc thi hoa hậu cấp địa phương".

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, khi tổ chức, Bộ đã chấp hành quy định số lượng, do các cuộc thi thi rất nhiều vòng nên chúng ta thấy tổ chức hoa hậu nhiều.

Liên quan đến cuộc thi trá hình, thi chui, ông Thiện cho biết, hầu như những cuộc thi trong nước đều được cấp phép, nếu không sẽ xử lý nghiêm túc. Tuy vậy, thời gian qua cũng có những cuộc thi cấp phép nhưng làm không đúng hoặc vi phạm và cũng đã xử lý.

"Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến, hiện đang sửa đổi nghị định xử phạt. Chúng tôi sẽ nghiên cứu đưa vào để xử lý triệt để", ông Thiện cho hay.

Với vấn đề lệch chuẩn của "một số công dân Việt Nam", Bộ trưởng Văn hóa -Thể thao và Du lịch đề cập đến trường hợp người mẫu Ngọc Trinh ăn mặc phản cảm tại một liên hoan phim quốc tế.

"Hiện đã xử lý một số trường hợp có hành vi lệch chuẩn hết sức phản cảm. Việc xử phạt là đề nghị cộng đồng và xã hội phải lên án với những trường hợp ảnh hưởng uy tín cộng đồng và đất nước Việt Nam. Đồng thời, xem quy định hiện hành xử phạt thế nào thì chúng tôi tiếp tục nghiên cứu", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều vấn đề phản văn hóa cũng được các đại biểu quan tâm chất vấn như bé gái 13 tuổi đóng cảnh nóng trong phim Vợ ba, hiện tượng Khá "Bảnh", Phúc "XO"...

Làm thế nào để phát triển du lịch biển bền vững?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu: Chúng ta đều thấy biển đảo rất đẹp, nhiều và quyến rũ. Bộ trưởng cho biết biện pháp phát triển bền vững du lịch biển đảo Việt Nam?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, nước ta có rất nhiều bãi biển đẹp. Chúng ta đứng thứ 32/130 quốc gia có biển, đó là lợi thế phát triển du lịch biển. Vừa rồi Nghị quyết số 36 Hội nghị trung ương 8 xác định du lịch biển là một trong những ngành giữ vị trí quan trọng. Khách du lịch biển chiếm 70%, doanh thu chiếm 60% trong tổng thu du lịch.

Các giải pháp là phải quy hoạch tốt các khu du lịch biển, quy hoạch này phải gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội để không phá vỡ quy hoạch cũng như tài nguyên biển. Thứ hai, phải đầu tư hạ tầng khá đồng bộ, nghĩ đến tương lai lâu dài. Thứ ba, phải chọn được các tập đoàn lớn vào chiến lược phát triển du lịch. Thứ tư, phải quan tâm phát triển bền vững, sinh kế người dân vùng cận biển - tỉ lệ hộ nghèo cao, dân trí còn thấp.

"Tôi tin đây là ngành đem lại nhiều lợi ích cho đất nước", ông Thiện nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về điểm nghẽn của ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hạ tầng giao thông, sân bay quá tải là điểm nghẽn đầu tiên. "Nhiều sân bay không có đủ chỗ đỗ máy bay, làm thủ tục rất lâu", ông Thiện nói.

Vấn đề xúc tiến quảng bá du lịch cũng là một điểm nghẽn khi mỗi năm Việt Nam chỉ đầu tư khoảng 2 triệu USD kinh phí, trong khi Thái Lan, Indonesia chi khoảng gần 100 triệu USD. Việt Nam gần như không có văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến quảng bá du lịch, chủ yếu dựa vào các Đại sứ quán, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng.

Theo ông Thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của Việt Nam cũng thiếu. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng chưa cao.

"Hôm qua đại biểu hỏi du lịch có phải ngôi sao cô đơn? Câu trả lời là không. Du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của toàn xã hội", ông Thiện nói.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện cả nước chia thành 7 vùng du lịch, trên cơ sở này các tỉnh, thành phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, "đúng là liên kết các vùng du lịch, nhất là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch hiện còn yếu, hạn chế", ông Thiện thừa nhận.

Khắc phục hạn chế này, ông Thiện cho rằng, không còn cách nào khác là chính quyền địa phương phải nhận thức và làm tốt hơn trong liên kết về du lịch. Chẳng hạn, du khách tới khu vực miền Trung thì 3 địa phương là Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... phải liên kết chặt chẽ để phát triển các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn.

(tổng hợp)