📞

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Muốn thoát nghèo phải học”

19:22 | 13/11/2016
“Hôm nay, tôi dành thời gian để lắng nghe tâm tư, trao đổi của các thầy cô. Chúng ta tâm sự và trao đổi những vấn đề rất đời thường, rất thật”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bộc bạch.

Sáng 13/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi gặp gỡ và lắng nghe những tâm tư của 42 giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các xã đảo, huyện đảo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” (2016).

Giấc mơ bánh mỳ của trò

Đang công tác tại Trường PTCS Sơn Hải (Kiên Lương, Kiên Giang), thầy Đoàn Văn Kiều chia sẻ về thực trạng ở xã đảo học sinh thường chỉ học hết lớp 9, nhiều em học khá và giỏi nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn nên đành nghỉ học. Thầy Kiều mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm hơn nữa đến giáo viên cũng như có những chính sách ưu đãi đến học sinh biển đảo.

Thầy Lê Xuân Quyết. (Ảnh: Thùy Linh)

Cũng tại buổi gặp gỡ, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy (Trường Tiểu học Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang) chia sẻ rằng đã công tác tại xã đảo 29 năm. Ngày đầu tiên cô Thủy ra đảo là năm 1987, các phương tiện liên lạc đều hạn chế, nước và điện rất hiếm, dân cư thưa thớt. Do khó khăn nên phụ huynh muốn con em đi biển chứ không muốn con em mình đến trường nên tình trạng trẻ bỏ học rất nhiều.

Cô Thủy cũng mong muốn học trò trên xã đảo được quan tâm nhiều hơn, nhất là được tiếp cận những công nghệ hiện đại như phòng dạy ngoại ngữ, máy chiếu, để các em bắt kịp với học sinh trên đất liền.

Đến từ trường Tiểu học mầm non Song Tử Tây (Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), thầy Lê Xuân Quyết kể lại giấc mơ bánh mỳ của học trò Nguyễn Hà Bảo Châu tại huyện đảo Trường Sa. Có một đêm, Bảo Châu đang ngủ thì mơ thấy đi vào tiệm mua bánh mỳ, còn chưa kịp ăn thì mẹ đánh thức dậy. Em tiếc rằng đang mơ, còn chưa kịp ăn thì lại tỉnh dậy mất. Mẹ em thương con cứ áy náy mãi, rồi nói rằng nếu biết con đang ăn thì mẹ sẽ không đánh thức con. Thầy Quyết nhấn mạnh: “Với học trò đất liền, một ổ bánh mỳ là điều bình thường. Nhưng với học trò ngoài đảo bánh mỳ là món quà xa xỉ”.

“Biết chữ để biết được thoát nghèo như thế nào”

Sau khi lắng nghe tâm tư, ý kiến của các thầy cô, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Những câu chuyện của các thầy cô rất cảm động. So với khả năng tài chính của Bộ còn rất khó khăn nên việc giảm học phí cũng cần có lộ trình. Tuy nhiên, các cháu muốn thoát nghèo thì phải học, phải biết chữ”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với các thầy cô giáo. (Ảnh: Đăng Lương)

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, những đầu tư về giáo dục rất quan trọng và đặc biệt cho học sinh xã đảo và cần có những đầu tư tại chỗ để các cháu không bị thất học.

Trước những băn khoăn của giáo viên về khó khăn của học sinh, Bộ sẽ xem xét đầu tư, gây những quỹ học bổng và đề nghị một số trường Đại học, Cao đẳng tạo điều kiện miễn học phí cho các cháu. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở, kêu gọi các nhà tài trợ để có nhiều nguồn đầu tư chất lượng.

Với những cháu có điều kiện khó khăn nhưng ham học, Bộ trưởng nhận định đây là những “hạt giống năng lực” ở các xã đảo, huyện đảo. Nếu những học sinh này được về đất liền học tập sẽ phát triển, họ sẽ quay về để phục vụ biển đảo. Chính họ sẽ là những người đóng góp, dạy dỗ những học sinh thế hệ sau trên quê hương.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng tất cả đều từ người thầy. Người thầy không chỉ gieo con chữ mà còn là tấm gương cho người dân ở đó. Người dân ở đó sẽ nhìn vào các thầy cô để có niềm tin vào giáo dục, cho con em mình đi học. Đồng thời, thầy cô là những điểm sáng, là đại sứ ở các vùng để truyền tải được những vấn đề thiết thực nhất để có những hỗ trợ đến những vấn đề cần thiết mà vùng đó đang cần.