📞

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động tập huấn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6

10:05 | 26/02/2021
TGVN. Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông chiều 25/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập huấn SGK lớp 2, lớp 6 cho giáo viên và cho biết: 'Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động này, tuyệt đối không buông lỏng'.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập huấn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cho giáo viên.

Tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, nhân dân trước khi in bản chính thức

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian qua, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như rà soát, đánh giá chương trình, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sau một học kỳ triển khai và chuẩn bị cho hoạt động tổng kết sau khi năm học kết thúc; biên soạn, thực nghiệm, thẩm định, phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6; tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình mới; ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đối với lớp 2 và lớp 6…

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo hiệu quả của các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận, phần lớn các nhiệm vụ đã được thực hiện đảm bảo tiến độ và đạt yêu cầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số vấn đề cần được làm tốt hơn như công tác phối hợp giữa các nhóm nhiệm vụ, công tác rà soát hệ thống văn bản để kịp thời phát hiện những "nút thắt" cần chỉnh sửa, bổ sung, đáp ứng yêu cầu triển khai trong thực tế.

Lưu ý các nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh trước tiên tới SGK và tài liệu giáo dục địa phương. Theo Bộ trưởng, sau một học kỳ triển khai đối với lớp 1, đây chính là thời điểm để Bộ GD&ĐT rà soát bước đầu về chương trình, SGK, phát hiện những điểm phù hợp, chưa phù hợp để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nếu cần thiết.

"Đối với SGK lớp 1, cần tổng kết công tác xã hội hóa, trong đó lưu ý công tác quản lý Nhà nước về xã hội hóa. Chúng ta tạo điều kiện cho xã hội hóa nhưng phải quản lý chặt từ việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định, tới in ấn, cung ứng, giá thành SGK", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hiện nay, bản mẫu SGK định dạng PDF lớp 2, lớp 6 đã được đưa lên website của các nhà xuất bản và giáo viên đã được cấp tài khoản để nghiên cứu tìm hiểu, từ đó đề xuất lựa chọn, chuẩn bị cho dạy học và tham gia tập huấn SGK.

Để hoạt động này đạt hiệu quả, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ cần bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, nhân dân trước khi in bản chính thức.

Có giải pháp phù hợp giảm giá thành sách giáo khoa

Đối với công tác tập huấn SGK, Bộ trưởng lưu ý, cần có hướng dẫn cụ thể cho địa phương và nhà xuất bản để làm hiệu quả, trong đó quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giới thiệu, tập huấn sách; kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên, tránh tình trạng thời gian gấp gáp, giáo viên phải di chuyển xa, tập huấn không đảm bảo chất lượng.

"Bộ sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động này, tuyệt đối không buông lỏng", Bộ trưởng nêu rõ, đồng thời đề nghị các đơn vị chuyên môn, các nhà xuất bản có giải pháp phù hợp nhằm giảm giá thành sách giáo khoa.

Cùng với quá trình chuẩn bị SGK lớp 2, lớp 6 và các sách giáo khoa khác như sách Tiếng Anh hệ 10 năm, sách ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh, sách Quốc phòng, sách tiếng dân tộc thiểu số..., Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ đạo tăng cường chất lượng thực nghiệm, lấy ý kiến góp ý bản mẫu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10. Theo Bộ trưởng, việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng các bản mẫu SGK, công tác thẩm định qua đó cũng sẽ được thực hiện tốt hơn.

Tài liệu giáo dục địa phương là một phần quan trọng trong chương trình mới và sẽ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tuy nhiên, theo quy định, việc biên soạn và thẩm định tài liệu này thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh/thành phố. Vì vậy, UBND các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng, nội dung tài liệu. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương trong quá trình thẩm định tài liệu giáo dục địa phương trước khi phê duyệt.

Để nắm bắt thực tế hoạt động bồi dưỡng giáo viên thời gian qua, Bộ trưởng giao Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phối hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thực hiện khảo sát thực trạng bồi dưỡng giáo viên tại các địa phương, qua đó rút kinh nghiệm và kịp thời có những điều chỉnh. Cùng với đó, lên phương án, lộ trình khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên; rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chế độ chính sách cho nhà giáo.

(theo Dân trí)