Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Peru – TS. Alfredo Thorne nhấn mạnh, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu, đang phải đối mặt với một số thách thức phức tạp. Đó là trao đổi thương mại giảm sút, năng suất suy yếu, làm giảm tăng trưởng và khả năng phục hồi các nền kinh tế trong khu vực... TS. Thorne cho rằng, APEC cần thay đổi chính sách để tăng cường thương mại và mở cửa nền kinh tế, bao gồm các dịch vụ mở, loại bỏ các rào cản thương mại và tăng năng suất.
“Tuyên chiến” chống lại tình trạng giá cả hàng hóa thấp, tình hình tài chính bất ổn cũng như trao đổi thương mại trì trệ, các Bộ trưởng Tài chính APEC tuyên bố, các nền kinh tế thành viên sẽ tận dụng tất cả các công cụ chính sách sẵn có về tiền tệ, tài chính và cơ chế, kể cả của riêng từng quốc gia và chung của khu vực, nhằm duy trì tăng trưởng.
Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên APEC tại Lima (Peru), 15/10. (Nguồn:APEC) |
Các Bộ trưởng Tài chính bày tỏ quan ngại trước các âm mưu nhằm làm suy yếu tiền tệ và giảm khối lượng giao thương quốc tế. Họ quyết tâm tiếp tục theo đuổi các chính sách tài chính, bao gồm cả các công cụ tài chính phòng chống rủi ro thiên tai và ngăn chặn sự suy giảm trong tăng trưởng năng suất vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hợp tác và phát triển.
Cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính APEC là một trong những sự kiện quan trọng diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tại Peru. Theo kế hoạch, Hội nghị tiếp theo của các Bộ trưởng tài chính APEC sẽ được diễn ra tại Đà Nẵng (Việt Nam) vào tháng 10/2017.
APEC có 21 nền kinh tế thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan (Trung Hoa), Thái Lan, Mỹ và Việt Nam. |