Hội nghị diễn ra ở thời điểm tiến gần đến cuối Thập kỷ của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học 2011-2020 với toàn bộ mục tiêu mà 190 nước cùng đặt ra từ 10 năm trước đều không đạt được.
Việt Nam cần phải coi đa dạng sinh học là một vấn đề đạo đức. (Nguồn: Môi trường) |
Phát biểu trong video trực tuyến tại UNGA 75, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói: “Chúng ta đang đối diện với những thách thức to lớn liên quan đến đa dạng sinh học do chính con người tạo ra. Đã đến lúc chúng ta, bên cạnh việc sử dụng chính sách và pháp luật, thì cần phải coi bảo tồn đa dạng sinh học là một vấn đề đạo đức, trước hết ở cấp lãnh đạo, sau đến mọi người dân”.
Trong bài phát biểu này, thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cam kết: “Việt Nam coi đa dạng sinh học là một phần quan trọng trong các giải pháp về kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, là thước đo những nỗ lực trong phát triển bền vững và cam kết xây dựng một nền kinh tế xanh trên cơ sở đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên; chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên hệ sinh thái, cân bằng với tự nhiên và thực thi các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn khẩn cấp tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa đại dương”.
Trước đó, ngày 28/9, các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia cũng thông qua Cam kết của các Nhà lãnh đạo vì Thiên nhiên. Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm tới cam kết này.
Bản cam kết là một phần của chương trình Nature for Life Hub và là một hồi đáp trực tiếp đối với Tình trạng Khẩn cấp trên toàn cầu, nêu bật tính cấp thiết của việc giải quyết các cuộc khủng hoảng có sự liên hệ mật thiết với nhau: đa dạng sinh học, khí hậu và y tế.
Trong năm qua, một loạt các báo cáo lớn đã hướng sự chú ý của toàn cầu vào cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, cùng với việc thiên nhiên hiện đang suy giảm trên toàn cầu với tốc độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Báo cáo Sức sống Hành tinh 2020 của Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) được công bố vào đầu tháng này, cho thấy quần thể động vật có xương sống đã suy giảm 68% trên toàn cầu kể từ năm 1970 do hoạt động sản xuất và tiêu dùng hiện tại của chúng ta.
Bản cam kết nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng này đang gây ra những tổn hại không thể thay đổi đối với các hệ thống hỗ trợ cuộc sống của chúng ta, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng, làm tăng nguy cơ bùng phát đại dịch lây truyền từ động vật sang người trong tương lai và góp phần đáng kể gây ra biến đổi khí hậu. Chi phí gia tăng đối với xã hội và nền kinh tế đòi hỏi chúng ta phải ngăn chặn và khắc phục sự mất đa dạng sinh học một cách khẩn cấp, nếu chúng ta muốn đạt được các mục tiêu khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, WWF đang thực hiện nhiều sáng kiến với mục tiêu phục hồi đa dạng sinh học, trong đó có BIODEV2030 hướng tới sự tham gia của Chính phủ, các ngành kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp để lồng ghép vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học vào chiến lược, kế hoạch hoạt động của các ngành kinh tế có tác động tới đa dạng sinh học.