Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường carbon và hàm ý chính sách với Việt Nam” với hơn 250 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Tham dự Hội thảo, có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và hơn 10 tỉnh, thành phố, cùng đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo Trung tâm Phát triển OECD và các chuyên gia về môi trường, thị trường carbon, Đại sứ của nhiều nước thành viên OECD, đại diện các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư nước ngoài…
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu, việc xây dựng, vận hành và phát triển thị trường carbon trở thành công cụ ngày càng quan trọng. Với ý nghĩa đó, Hội thảo đã thảo luận về kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho Việt Nam về phát triển thị trường carbon, bao gồm việc hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ khẳng định chuyển đổi xanh là nguồn động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Các tiêu chuẩn xanh đang được định hình và đẩy nhanh đi vào thực thi theo hướng gắn thương mại và đầu tư quốc tế với các tiêu chí về giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, lao động và môi trường.
Cùng với đó, các liên kết, sáng kiến mới gắn với các lĩnh vực xanh cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam xác lập, không ngừng gia tăng vị thế trong các chuỗi giá trị xanh toàn cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, phát triển thị trường tài chính xanh, trong đó then chốt là thị trường carbon, sẽ là chìa khóa cho chuyển đổi xanh thành công, tuy nhiên sẽ không dễ dàng, nhất là với các nước đang phát triển chưa có các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh đồng bộ và chất lượng.
Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng các ý kiến tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích để các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó có lộ trình phát triển công cụ định giá carbon, nhất là thị trường carbon tuân thủ.
Trước mắt, Việt Nam dự kiến đẩy nhanh xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế và thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.
OECD đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam, bày tỏ đặc biệt ấn tượng với cam kết phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị COP26 và cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường carbon năng động, chất lượng và hiệu quả.
Các đại biểu cho biết, mặc dù thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng, các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường carbon tự nguyện thế giới gần 20 năm trước. Tới nay, Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và là một trong 4 nước có dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch đăng ký nhiều nhất.
Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Từ kinh nghiệm thực tiễn, một số doanh nghiệp, chuyên gia châu Âu cho biết hệ thống trao đổi tín chỉ carbon của EU đã góp phần giảm phát thải, thúc đẩy tăng trưởng bền vững về lợi nhuận nhưng không làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tạo việc làm mới và thúc đẩy xây dựng quỹ xã hội về khí hậu để hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng từ thuế carbon và biến đổi khí hậu.
OECD cho rằng để xây dựng hệ thống giao dịch tín chỉ carbon, các quốc gia cần xác định rõ mục tiêu, giới hạn của hệ thống và bảo đảm minh bạch pháp lý trong các lĩnh vực liên quan.
Đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã có sự chuẩn bị tương đối tốt từ khu vực công, tuy nhiên cần chú trọng thúc đẩy cách tiếp cận nhiều bên, tăng cường hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực, các cấp, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện phát triển cung, cầu trong thị trường carbon.
Các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về carbon bảo đảm chất lượng, làm căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp và nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp đa dạng, linh hoạt các phương thức, công cụ như cơ chế phát triển sạch, cơ chế tín chỉ chung, thị trường bắt buộc và tự nguyện…
Bên cạnh việc phát huy nội lực, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế tham dự Hội thảo đề cao vai trò của hợp tác quốc tế, cho biết sẵn sàng chia sẻ, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong phát triển thị trường carbon.
| COP27: Trung Quốc chia sẻ về nỗ lực trung hòa carbon, Czech cam kết giảm 30% phát thải khí methane Ngày 6/11, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) thông báo Bắc Kinh đã có bước ... |
| Biến đổi khí hậu sẽ buộc hàng tỷ người phải di cư Một nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Mỹ dự báo hàng tỷ người sẽ buộc phải di cư khi biến đổi ... |
| Chính sách chống biến đổi khí hậu đang đi lùi Hồi tháng Bảy, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo “kỷ nguyên ấm lên trên toàn cầu đã kết thúc, kỷ nguyên ... |
| ASEAN hướng đến chuyển đổi xanh, cân bằng tăng trưởng đi đôi với giảm khí thải Vai trò quan trọng của ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể đi đôi với sự chủ động trong tiến trình khử cacbon ... |
| Giải pháp cho biến đổi khí hậu: ‘Bắt’ carbon phục vụ hành tinh xanh Thu giữ và lưu trữ carbon là công nghệ giúp giảm phát thải CO2, góp phần giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn ... |