Chương trình “Hành lang Bộ trưởng” là một sự kiện bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc toàn quốc đang diễn ra và kéo dài đến ngày 15/3 tới.Những lời giải thích của Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn được cho là đã giúp gỡ bỏ các đồn đoán trong dư luận và những câu chuyện sai lệch xung quanh cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn trả lời giới truyền thông trong chương trình “Hành lang Bộ trưởng". (Nguồn: CGTN) |
“Xin nhấn mạnh chữ “cùng nhau”. Tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có buổi hội đàm rất thành công tại Argentina và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, hai bên đã đồng ý ngừng áp dụng tăng thuế mới, thông qua trao đổi đàm phán để cùng giải quyết những vấn đề kinh tế thương mại mà hai bên cùng quan tâm, thống nhất rõ về nguyên tắc đàm phán và thời hạn đàm phán" - ông Chung Sơn nói.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc đồng thời nhấn mạnh, đây là một cuộc hội đàm hết sức thành công, đồng thời cũng là một cuộc hội đàm mang tính lịch sử, trở thành điểm sáng của Hội nghị G20. Ngay sau hội đàm, thị trường chứng khoán của hai nước Trung – Mỹ đã tăng vọt, tạo sức lan tỏa đưa thị trường chứng khoán toàn cầu cùng tăng mạnh. Điều này nói lên rằng, nhận thức chung của nguyên thủ hai nước thể hiện nguyện vọng chung của hai nước Trung – Mỹ, cũng như thể hiện sự kỳ vọng chung của toàn cầu.
Bộ trưởng Chung Sơn giải thích về nguyên tắc kiên trì trong đàm phán Trung – Mỹ. Theo đó, nguyên tắc này cũng là một trong những nhận thức chung của hai nguyên thủ: “tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng cùng có lợi”.
“Tôn trọng lẫn nhau” tức là tôn trọng mô hình phát triển và chế độ xã hội của mỗi nước. “Bình đẳng cùng có lợi” có nghĩa vị thế đàm phán là bình đẳng, kết quả đàm phán là cùng có lợi. Trong 90 ngày qua, đoàn đàm phán của hai bên đã kiên trì tuân thủ nguyên tắc này để tiến hành đàm phán.
Đề cập đến tiến độ đàm phán, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nói: “Như mọi người đều quan tâm, muốn tìm hiểu, đó chính là tiến triển của đàm phán. Trong thời hạn 90 ngày, hai bên đã triển khai ba vòng đàm phán cấp cao. Cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Lưu Hạc với vai trò Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc sang Mỹ tiến hành đàm phán. Quá trình đàm phán rất “cam go và vất vả”.
Nhấn mạnh tới hai chữ “cam go và vất vả”, ông Chung Sơn giải thích “cam go” ý là chế độ, văn hóa và giai đoạn phát triển của hai nước có rất nhiều khác biệt, hai bên muốn đạt được thống nhất cần phải tìm kiếm điểm dung hòa, cần phải nỗ lực hơn nữa, để làm được thực sự không dễ dàng. “Vất vả” ý là vì thời gian đàm phán rất ngắn, khi đó hai bên xác định chỉ có thời gian 2 ngày để đàm phán, sau đó lại kéo dài thêm 2 ngày nữa, nhưng quả thật thời gian vẫn rất gấp gáp, trong khi phải làm việc ở nhiều nội dung nên đòi hỏi đoàn đàm phán hai bên phải làm cật lực không quản ngày đêm.
Ông Chung Sơn cho biết, họ đã rất nỗ lực, rất chuyên nghiệp và thực sự vất vả. Kết quả đàm phán là rất lạc quan. Sau 90 ngày trao đổi, hai bên đã đạt được những tiến triển quan trọng, trong một số lĩnh vực đã xuất hiện sự đột phá, hai bên đã đồng ý kéo dài thời hạn đàm phán và trong thời gian này không áp dụng tăng thuế nhập khẩu hàng hóa. “Để đạt được kết quả này quả thật không dễ dàng gì, chúng ta nên hết sức trân quý những gì đã đạt được”, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nói.
Ông Chung Sơn cũng cho biết thêm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, hợp tác là sự lựa chọn tốt nhất hai nước Trung – Mỹ. Hiện đoàn đàm phán hai nước vẫn đang tiếp tục trao đổi, làm việc với nhau, còn rất nhiều việc phải làm vì vậy cần có sự nỗ lực chung cùng nhìn về một hướng của hai nước Trung – Mỹ. Nếu như hai nước Trung – Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thì kết quả này sẽ có lợi cho sự phát triển kinh tế của hai nước và cũng sẽ có lợi cho sự phát triển kinh tế của toàn cầu.