📞

Bộ tứ có nguy cơ mất trọng tâm chiến lược

Thảo Đình 14:00 | 25/09/2022
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có còn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ khi Tổng thống Joe Biden đang tăng cường các cam kết và nguồn lực cho châu Âu và Trung Đông?
Bộ tứ là ‘bọt biển’ hay ‘bức tường thành’ chống lại Trung Quốc? (Nguồn: AU)

Giáo sư Brahma Chellaney (Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi, Ấn Độ) phân tích trên Nikkei Asia rằng câu hỏi này đang là vấn đề của nhóm Bộ tứ (Quad), liên minh chiến lược do Mỹ dẫn đầu gồm có cả Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Các cuộc họp của Bộ tứ đang trở nên thường xuyên hơn, gần đây nhất là cuộc họp các quan chức cấp cao ở Ấn Độ vào đầu tháng 9. Chỉ riêng 4 nhà lãnh đạo của nhóm đã tổ chức 4 cuộc gặp thượng đỉnh kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021.

Tuy nhiên, nhịp độ liên tục của các cuộc gặp có thể khiến người ta quên đi thực tế là Bộ tứ đang đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm cả việc xác định rõ sứ mệnh chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một khu vực rộng lớn đang là trung tâm kinh tế và địa chính trị của thế giới.

Bộ tứ được xem như bức tường thành kiềm chế Trung Quốc, nhưng ông Biden đã thuyết phục nhóm đưa ra một chương trình nghị sự rộng mở.

Cam kết vững chắc

Ngoại trưởng Vương Nghị vào năm 2018 từng chế nhạo Bộ tứ là một "ý tưởng giật gân" sẽ tiêu tan "như bọt biển Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương". Nhưng chính các chính sách "cơ bắp" của Trung Quốc đã giúp Bộ tứ tìm được động lực, kể từ khi hồi sinh vào năm 2017.

Các vùng biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành một đấu trường cạnh tranh về tài nguyên và ảnh hưởng địa chính trị, điều này giải thích cho sự chú trọng của Bộ tứ trong lĩnh vực hàng hải.

Những căng thẳng hiện tại ở Đài Loan (Trung Quốc), Biển Đông và Biển Hoa Đông có khả năng dẫn tới các cuộc khủng hoảng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai. Bộ tứ cũng nhìn thấy mối đe dọa về một trật tự khu vực bá quyền, sẽ gây ra những rủi ro đáng kể cho an ninh quốc tế và thị trường toàn cầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng Sáu đã gọi cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "nguyên tắc tổ chức cốt lõi trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ."

Ông tuyên bố, đó là "mặt trận ưu tiên của chúng tôi trong các hoạt động", "trung tâm của chiến lược lớn của Mỹ".

Đổ nguồn lực vào đâu?

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine và nỗ lực chiến tranh hỗn hợp sau đó do Mỹ dẫn đầu chống lại Moscow đang khiến Mỹ mất tập trung trước những thách thức ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trọng tâm chiến lược mới của Mỹ vào châu Âu và triển khai lực lượng ở đó - cùng với sự trỗi dậy của một NATO mạnh mẽ hơn, vốn coi Nga là đối thủ chính và Trung Quốc chỉ là "thách thức" - khiến Mỹ khó xoay trục thực sự sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trên thực tế, khi Mỹ tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột ủy nhiệm với Nga, bao gồm việc cung cấp vũ khí tấn công và thông tin tình báo chiến trường cho Ukraine, Bộ tứ phải đối mặt với những bất ổn mới.

Ông Biden là tổng thống thứ ba liên tiếp cam kết chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang châu Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng việc thừa nhận cuộc xung đột Ukraine "có thể kéo dài" cho thấy ông cũng có thể thất bại như hai người tiền nhiệm Donald Trump và Barack Obama.

Trong khi đó, căng thẳng với Moscow đang hạn chế ông Biden đưa ra đường lối cứng rắn với Bắc Kinh, vì e rằng điều đó sẽ giúp củng cố trục Trung Quốc-Nga đang hình thành.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn gấp 10 lần Nga, đủ khả năng khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow giảm tác dụng, cũng như cứu trợ nền kinh tế Nga. Điều này biểu hiện qua cách tiếp cận mềm mỏng với Bắc Kinh mà ông Biden theo đuổi, kể từ khi lên nắm quyền.

Trong bối cảnh này, không có gì ngạc nhiên khi chương trình hành động của Bộ tứ đã bắt đầu chùng xuống.

Chương trình nghị sự tham vọng

Trên thực tế, ông Biden đã điều hành Bộ tứ bằng một chương trình nghị sự ngày càng toàn cầu. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố vào tháng Hai, đã xác nhận sự chuyển hướng của Bộ tứ đối với các thách thức phổ quát, từ an ninh y tế toàn cầu và biến đổi khí hậu sang an ninh mạng, chuỗi cung ứng linh hoạt và vận chuyển xanh.

Đưa ra 6 nhóm công việc về biến đổi khí hậu, vaccine Covid-19, các công nghệ quan trọng và mới nổi, an ninh mạng, cơ sở hạ tầng và không gian, Bộ tứ gánh một chương trình nghị sự toàn cầu quá tham vọng, làm giảm khả năng tạo ra kết quả.

Trước mắt, Bộ tứ nhiều nguy cơ không hoàn thành mục tiêu cung cấp 1 tỷ liều vaccine Covid-19 do Ấn Độ sản xuất cho các nước đang phát triển vào cuối năm như đã hứa.

Việc Mỹ tiếp tục đổ phần lớn viện trợ kinh tế và quân sự vào châu Âu và Trung Đông đồng nghĩa với việc Trung Quốc âm thầm làm lu mờ hình ảnh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thật nghịch lý khi Bộ tứ đang trở nên gần gũi hơn thông qua các gặp gỡ thường xuyên hơn, nhưng nhóm có nguy cơ đánh mất tầm nhìn và mục tiêu chiến lược của mình.

Chuyên gia Brahma Chellaney cho rằng trừ khi các quốc gia xác định rõ định hướng và ý nghĩa chiến lược, Bộ tứ có thể trở thành một công cụ đòn bẩy đơn thuần của Mỹ với Trung Quốc.