TIN LIÊN QUAN | |
Rạp chiếu phim thời... Covid-19 | |
Phim truyền hình 'nóng' cùng mùa dịch |
Quân vương bất diệt quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Lee Min Ho, Kim Go Eun, Woo Do Hwan… (Nguồn: Printerest) |
Tối 17/4, bộ phim dài 16 tập "Quân vương bất diệt" phát sóng, đánh dấu sự trở lại sau gần 3 năm vắng bóng của Lee Min Ho - mỹ nam thế hệ 8x nổi tiếng và được yêu thích nhất Hàn Quốc. Là ngôi sao của những bộ phim truyền hình ăn khách một thuở như “Vườn sao băng”, “Người thừa kế”, nhưng màn tái xuất của Lee Min Ho trong “Quân vương bất diệt” không đạt được kỳ vọng lớn của khán giả.
Theo số liệu của Nielsen Korea, đến tập thứ 11, bộ phim này chỉ ghi nhận mức rating trên toàn quốc là 5,2% và 6,6% (mỗi tập phim 2 phần). Con số này không những giảm so với tập trước mà còn đánh dấu lượng người xem thấp nhất trong tất cả những bộ phim Lee Min Hoo từng tham gia. Vậy, nguyên nhân nào khiến bộ phim tưởng chừng là "bom tấn" lại kém thu hút?
Kịch bản lê thê và phức tạp
“Quân vương bất diệt” là tác phẩm của nữ biên kịch lừng danh Kim Eun Sook. Bộ phim khai thác đề tài hai thế giới song song, một thế giới với tên gọi Đại Hàn Đế Quốc, nơi theo chế độ quân chủ lập hiến với người đứng đầu là vua Lee Gon (Lee Min Ho). Thế giới còn lại là Đại Hàn Dân quốc, cũng chính là đất nước Hàn Quốc hiện tại. Nội dung chính của phim xoay quanh việc Lee Gon đi qua cánh cửa đến thế giới Đại Hàn Dân quốc để tìm kiếm trung úy Jung Tae Eul (Kim Go Eun) và đối đầu với nghịch tặc Lee Lim (Lee Jung Jin). Đề tài này tuy không mới mẻ nhưng cũng đủ tạo thu hút cho người xem.
Sau khi lên sóng những tập đầu tiên, bộ phim khiến không ít khán giả ngạc nhiên bởi sự lê thê và khó hiểu. Bên cạnh đó, khi là một bộ phim nói về thế giới song song thì việc chuyển cảnh từ thế giới này sang thế giới khác phải được đầu tư, xây dựng mượt mà và logic. Nhưng ở “Quân vương bất diệt”, hai thế giới không có sự khác biệt mấy và dấu hiệu để nhận biết chỉ là tấm poster hình ảnh vị vua Lee Gon khi đến Đại Hàn Đế quốc.
Trước đó, khán giả thực sự trông chờ các tình tiết gợi mở tạo sự hấp dẫn kéo họ ở lại những tập tiếp theo nhưng vẫn không có điểm sáng nào nổi bật ngoài ngoại hình sáng ngời của Lee Min Ho.
Trên trang The Korea Herald, chuyên gia phê bình Ha Jae-geun đánh giá, tình tiết, nhân vật liên tục chuyển biến ở hai thế giới trong phim gây rối rắm cho khán giả. “Đây là một bộ phim tình cảm lãng mạn, nhưng tình yêu giữa hai vai chính không được đặt lên hàng đầu. Câu chuyện mở ra với tốc độ khá chậm và câu chuyện về thế giới song song quá phức tạp”, chuyên gia Ha Jae-geun nói.
Hình ảnh nam tài tử Lee Min Ho trong Quân vương bất diệt. (Nguồn: The Korea Herald) |
Diễn xuất nhạt nhòa của tài tử Lee Min Ho
Nếu như Lee Min Ho là cái tên khiến khán giả biết đến "Quân vương bất diệt" và tò mò muốn xem thử tập đầu, thì cũng chính nam diễn viên này là nhân tố khiến bộ phim hụt hơi sau vài tập lên sóng và nhận nhiều ý kiến trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng, tài tử 32 tuổi diễn một màu, tương tác với nữ chính một cách gượng gạo.
Bên cạnh đó, khán giản cũng không mấy mặn mà trước vai diễn Quân vương do Lee Min Ho đảm nhận. Bởi dường như Lee Min Ho thiếu sự đầu tư cho phong thái một Quân vương uy quyền và hào sảng.
Một số ý kiến khác cho rằng, nam tài tử xứ Hàn không dám bước khỏi vùng an toàn, luôn đóng khung hình tượng vào một nam chính nhà giàu vương giả, quyền lực. Cách thể hiện nhân vật Lee Gon của Lee Min Ho trong "Quân vương bất diệt" na ná những nhân vật khác anh từng đảm nhận trước đây, như Goo Jun Pyo (Vườn sao băng), Kim Tan (Người thừa kế), Heo Joon Jae (Huyền thoại biển xanh).
Quá nhiều "sạn"
Ngay từ những video đầu tiên, dự án của Lee Min Ho đã khiến khán giả "đứng ngồi không yên" vì những cảnh quay giữa hai thế giới đẹp đến choáng ngợp. Thế nhưng phim liên tục gây thất vọng khi có quá nhiều "sạn".
Tin liên quan |
Có gì đặc biệt ở ‘Tầng lớp Itaewon’? |
Cụ thể, "Quân vương bất diệt" gây thất vọng khi mắc lỗi trang phục của vua Lee Gon. Trong tập 6, vua Lee Gon mặc hoàng bào đỏ giống hệt triều đại Joseon nhưng vương miện vàng lại lấy ý tưởng từ triều đại Silla cổ đại. Sự pha trộn lẫn lộn thời kỳ lịch sử qua bộ trang phục của vị vua này khiến khán giả “dở khóc dở cười”.
Thêm vào đó, khán giả liên tục thất vọng khi bộ phim này nhái kiến trúc Nhật Bản, hiệu ứng kỹ xảo đơn điệu, chèn quảng cáo lộ liễu. Hay trong phân cảnh về trận thủy chiến của Đại Hàn đế quốc và Nhật Bản ở tập 6, người xem phát hiện thiết kế tàu chiến của Nhật Bản trong phim tương tự tàu của Hàn Quốc ở đời thực.
Ngoài ra, phim cũng đi vào lối mòn khi xây dựng mô-típ nhân vật quá cũ, quá quen thuộc với điện ảnh Hàn Quốc như nam chính giàu có quyền lực, nữ chính cá tính có phần cứng đầu.
Trang Econotimes đánh giá, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến rating phim chạm đáy là ngay từ đầu đã không gây được ấn tượng tốt. Thay vào đó là những tranh cãi không hồi kết, đặc biệt là những sai sót về văn hoá, lịch sử - một trong những điều khá nhạy cảm với người Hàn Quốc.
Ngoài ra, "Quân vương bất diệt" cũng là bộ phim hiếm hoi của biên kịch Kim Eun Sook sở hữu nhạc phim vô cùng mờ nhạt, nhanh chóng rời khỏi bảng xếp hạng chỉ sau vài ngày ra mắt.
Trang News1 khẳng định rằng, với kinh phí đầu tư lên tới 32 tỷ Won (khoảng 611 tỷ đồng), những sai sót của phim là điều khó chấp nhận.
| Tại sao ‘Hạnh phúc của mẹ’ thắng lớn tại Cánh Diều Vàng 2019? TGVN. Không chỉ ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2019 của Hội Điện ảnh Việt Nam tiếp tục gây bất ngờ ... |
| Giải mã cơn sốt 'Hạ cánh nơi anh' TGVN. Theo thống kê trên Naver, bộ phim "Hạ cánh nơi anh" được tìm kiếm nhiều thứ 2, chỉ sau tin tức về dịch viêm phổi ... |
| Điều gì khiến Parasite làm nên lịch sử ở Oscar 92? TGVN. Trước Oscar, bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon-ho đã nhận được hầu hết các giải thưởng danh giá như ... |