Trong không khí cả nước đang hướng đến kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2015), 70 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2015), ngày 18/8, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, đại diện lãnh đạo các ban ngành Trung ương và thành phố, các cơ quan đại diện ngoại giao, Sở Ngoại vụ các tỉnh thành phía Nam đã đến tham dự buổi lễ.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho rằng Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sở Ngoại vụ không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của toàn thể cán bộ, công chức Sở Ngoại vụ qua các thời kỳ mà còn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và bước phát triển toàn diện của cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Ngoại giao.
Từ cột mốc đầu tiên
Chỉ hai ngày sau khi giải phóng Sài Gòn, ngày 2/5/1975, nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của công tác ngoại giao trong tình hình mới, Đảng ta đã giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp quản Bộ Ngoại giao của chế độ cũ tại số 6 đường Alexandre de Rhodes, quận 1, và thành lập Ban Ngoại vụ thuộc Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định. Sự kiện này chính là cột mốc đầu tiên mở ra quá trình hình thành và phát triển Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
“Từ một bộ máy đơn giản với số lượng nhân sự khiêm tốn lúc mới thành lập, Sở Ngoại vụ đã từng bước kiện toàn cơ cấu tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ của Sở - là cầu nối của Bộ Ngoại giao với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam của đất nước”. (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh) |
Những thập niên sau đó, Sở Ngoại vụ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hoạt động chung của Thành phố. Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Sở Ngoại vụ phải tham gia giải quyết dòng người trong nước ra đi bất hợp pháp. Trong hơn 20 năm, được Bộ Ngoại giao trao trọng trách tổ chức thực hiện chương trình xuất cảnh, Sở Ngoại vụ đã phối hợp với cơ quan ngoại giao, lãnh sự của các nước và các tổ chức quốc tế tổ chức cho khoảng 1 triệu người ra đi hợp pháp để đoàn tụ gia đình ở 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 50 vạn người tới Hoa Kỳ.
Về kinh tế đối ngoại, năm 1985, lần đầu tiên, Thành phố đón một đoàn gần 70 doanh nhân đại diện cho nhiều công ty, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đến tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các tiềm năng hợp tác.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Sở Ngoại vụ là tổ chức đón tiếp chu đáo, trọng thị, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn khách quốc tế đến thăm Thành phố và các tỉnh phía Nam. Trong giai đoạn 1986-2000, Thành phố đón nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Pháp Francois Mitterand (1993), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân (1995), Bí thư Thứ nhất BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Fidel Castro (1995), Thủ tướng Đức Helmut Kohn (1995), Tổng thống Pháp Jacques Chirac (1997)...
Từ năm 2011 đến năm 2014, trung bình mỗi năm có gần 200 đoàn khách quốc tế đến thăm Thành phố. 15 năm trở lại đây, Thành phố đã đón tiếp nhiều đoàn nguyên thủ cấp cao đến thăm như Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và George Bush, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Nga Medvedev, Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito...
Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ còn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị của Thành phố với các địa phương, tổ chức trên thế giới theo hướng thiết thực và hiệu quả. Tính đến tháng 8/2015, Thành phố mang tên Bác đã ký kết văn bản thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với 40 địa phương nước ngoài trên khắp năm châu lục.
Đến vai trò cánh chim đầu đàn
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của Sở Ngoại vụ trong việc triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 40 năm qua, Sở Ngoại vụ đã góp phần đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác quốc tế của Thành phố, tham gia đắc lực vào công tác xúc tiến thương mại - đầu tư, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
“Việc đón tiếp trọng thị và chu đáo các đoàn nước ngoài; việc tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế tại Thành phố và thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 40 địa phương nước ngoài đã giúp chuyển tải hình ảnh thân thiện, năng động và hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh đến bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế quốc tế của Thành phố”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, sự quan tâm sát sao của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở là cầu nối tích cực và kịp thời giữa Trung ương và địa phương trong việc xử lý các vấn đề nhạy cảm, phức tạp trong quan hệ đối ngoại, góp phần đảm bảo an ninh chính trị đối ngoại, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các tỉnh phía Nam.
Trong bối cảnh mới, khi tình hình thế giới, môi trường quốc tế sẽ còn nhiều biến chuyển nhanh chóng, khó lường, ngành Ngoại giao tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tin tưởng rằng Sở Ngoại vụ sẽ tiếp tục là cánh tay đắc lực của Bộ, góp phần tiến hành đồng bộ công tác đối ngoại, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đã có, góp phần thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ tốt sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá của Thành phố nói riêng, khu vực phía Nam nói chung.
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao và UBND Thành phố trao tặng cờ thi đua và bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có những đóng góp cho sự nghiệp ngành Ngoại giao.
Khánh Linh