📞

Bóng hồng quyên góp tranh đi tặng

Minh Hòa 13:00 | 24/01/2023
Nếu như trong chính trường có người đàn bà thép thì trong ngoại giao văn hóa có những bóng hồng nhẹ nhàng, thướt tha. Chị Đào Thị Liên Hương - người mà các bạn bè và đồng nghiệp quen gọi là “chị Hương Đào” là một bóng hồng như thế.
Chị Hương Đào và họa sĩ Hải Kiên bên bức tranh Hoa Tết, dự kiến tham dự Chương trình tặng tranh cho Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc sắp tới.

Tôi gặp chị Hương Đào, Tổng thư ký Liên đoàn các Hiệp hội giáo dục và ngôn ngữ thế giới không chỉ một lần. Nhưng vì được gặp chị nhiều lần, tôi lại càng ngạc nhiên bởi sự nhiệt huyết tiềm ẩn trong tình yêu mà người phụ nữ này dành cho nghệ thuật. Dù chẳng được trao danh xưng là Đại sứ Văn hóa hay điều gì mỹ miều, nhưng những dự án nghệ thuật - mà gọi dân dã là những chuyến trao tặng tranh - mà chị Hương Đào tổ chức đã và đang lan tỏa tình yêu nghệ thuật ngày càng rộng và xa.

Thế nhưng, dù là người vẽ rất đẹp, đặc biệt là vẽ hoa, hơn nữa cũng đã tặng rất nhiều bức tranh cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhưng khi nói về mình, chị Hương Đào một mực nhận rằng mình chỉ là “liên lạc viên” - kết nối họa sĩ với Bộ Ngoại giao để lan tỏa hội họa Việt ra thế giới.

Các sứ quán chờ tranh

Nhìn lại chặng đường mình đã đi, chị Hương Đào cho biết: “Chúng tôi bắt đầu dự án từ năm 2017, đến nay đã tròn năm năm rồi. Chuyến tặng tranh đầu tiên với gần 70 bức tranh đạt giá trị nghệ thuật cao do 31 họa sĩ quyên tặng chính thức xuất ngoại, đến trưng bày tại một số Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thực sự là cú hích lớn cho tôi và các anh chị em trong nhóm”.

Khởi nguồn cho những chuyến tặng tranh rất đơn giản, là do có lần chị Hương Đào buột miệng chia sẻ trong một chuyến từ thiện tại Gia Lai cùng các họa sĩ rằng: “Đi thăm mấy Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài, thấy Đại sứ quán toàn treo tranh thêu là chính. Những bức tranh vẽ, tranh sơn mài… mang tính mỹ thuật cao gần như không có. Đại sứ quán là bộ mặt của đất nước nên nếu các họa sĩ trong nước chung tay quyên tặng tranh để quảng bá mỹ thuật Việt Nam tại đây thì đó là điều quá tuyệt vời”.

Câu nói trong chuyến đi năm ấy lại khởi nguồn cho một hành trình đầy phấn khích sau đó, mà “đầu tàu” là chị Hương Đào. Sau khi được thông báo, các sứ quán lập tức đăng ký và nêu luôn ý tưởng cụ thể về nội dung tranh mà họ cần. Tiếp sau đó là chuyến “dã ngoại vẽ tranh” kéo dài một tháng ở châu Âu của chị cùng đoàn họa sĩ. Vậy là, vừa “vác” tranh từ nhà sang tặng, sang đến nơi, đoàn lại vẽ tại chỗ để tặng tiếp cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại. Không chỉ có vẽ tranh và tặng tranh, đoàn nghệ sĩ còn tham gia, thậm chí đồng tổ chức loạt hoạt động quảng bá văn hóa đặc sắc khác ở nước ngoài. Nhớ lại dư âm của chuyến đi đầy thành công ấy, mắt chị Hương Đào chợt long lanh.

Chị bảo: “Trước đây mọi việc thuận lợi hơn vì các anh chị em còn “tranh thủ” đi ké chuyên cơ của lãnh đạo, vì tranh cả khung thường rất nặng, nhưng nay thì không được phép nữa rồi. Thế là tôi và các anh chị em lại tự xoay xở sao cho vừa được việc, vừa có kinh phí cho chuyến đi. Đã mang tranh đem tặng còn phải tự lo chuyện ăn ở, đi lại cũng là một thách thức”.

Điều chị Hương Đào trăn trở không phải không có lý. Mới đây, họa sĩ Hải Kiên đưa tranh sang Đức tặng Đại sứ quán nhưng các bức tranh quá khổ khiến anh phải đóng tiền cước phí. May là sau đó Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã hỗ trợ các họa sĩ.

Theo chị Hương Đào, đã có hơn 40 Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nhận được tranh như: Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Trung Quốc, Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Myanmar, Ấn Độ, Singapore, Campuchia, Ukraine, Tổng Lãnh sự quán tại Osaka… Trên cơ sở các cơ quan đại diện đặt vấn đề thì Ban vận động Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao văn hóa tiến hành trao đổi với các họa sĩ để đáp ứng yêu cầu.

Chị Đào Thị Liên Hương.

Những dự án để đời

Bên tách trà nóng ngày Xuân, chị Hương Đào đưa tôi ngược dòng thời gian để điểm lại những dấu ấn đáng nhớ trong hành trình quyên tranh đi tặng của mình. Chị bảo: “Tôi thực sự hài lòng về chất lượng tranh trong dự án vẽ chân dung 12 Bộ trưởng Ngoại giao. Tôi muốn chụp lại các tranh một cách cẩn thận để khi có thời gian sẽ viết một cuốn sách về những tác phẩm này”.

Sau khi đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến mọi hoạt động trong đời sống xã hội, chị Hương Đào đã cùng các họa sĩ phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức chín triển lãm tranh, như Triển lãm Quốc hoa các nước ASEAN, triển lãm giới thiệu các di sản của ASEAN hay về văn hóa, đất nước, con người ASEAN… hay Triển lãm phụ nữ và hòa bình để tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam đã đóng góp cho nền hòa bình ở Việt Nam và thế giới…

Hữu xạ tự nhiên hương, càng làm càng rút được nhiều kinh nghiệm. Giờ đây, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã “biết tiếng” chị Hương Đào nên cần gì là gọi điện trực tiếp “đặt hàng” tranh luôn, cả về nội dung và kích thước. Nhờ vậy, tranh gửi sang treo lên vừa vặn, đẹp hài hòa.

Ban vận động Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao văn hóa đã phối hợp với Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO làm chương trình ngoại giao văn hóa đã trao tặng khoảng hơn 300 bức tranh tới hơn 40 Cơ quan đại diện. Với chị Hương Đào, đó thực sự là khối công việc đồ sộ và một con số rất đáng tự hào. Chị cũng rất nhớ lần chị cùng họa sĩ Hải Kiên vẽ một số bức tranh để Chủ tịch nước làm quà tặng trong chuyến thăm Nhật Bản. Chị mong những tác phẩm ấy sẽ tạo được dấu ấn nhất định trong lòng lãnh đạo và người dân xứ sở Mặt trời mọc.

Tôi hỏi chị, ông bà ta nói, có thực mới vực được đạo, mà cơm áo thì chẳng đùa với khách thơ, cứ quyên tranh tặng mãi thì chị có “tải” nổi không? Chị Hương Đào cười hiền: “Thôi, cố gắng được đến đâu cứ cố thôi. Tôi tin là các cơ quan, ban, ngành… rồi sẽ thấu hiểu công việc ý nghĩa này. Văn hóa là thứ không phải ngày một ngày hai mà tạo thành, nó là cả một quá trình chắt lọc tinh hoa. Muốn lan tỏa văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế thì chúng ta cần tích cực làm ngoại giao văn hóa… Nếu cứ phải có tiền mới chịu làm thì thực sự khó. Thủ tục để được thanh toán hóa đơn của mình rất phức tạp, đi xin thanh toán còn mệt hơn cả vẽ tranh nên thôi, mình cứ làm hết sức có thể”.

Tạm biệt chị khi ấm trà Xuân vẫn còn ấm nóng, như nhiệt huyết với nghiệp “quyên tranh mang tặng” của "người vác tù và" Hương Đào. Tôi mong chị có sức khỏe dồi dào để tiếp tục những kế hoạch, dự án ý nghĩa trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Họa sĩ Hải Kiên - Giảng viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - người đồng hành chính trong những dự án tặng tranh:

“Đây là một cái duyên, từ khi chị Hương Đào mời tôi tham gia chương trình vẽ tranh chân dung các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tôi được tham gia vẽ chân dung cố Bộ trưởng Xuân Thủy và cố Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh. Kể từ đó, tôi tham gia nhiều hoạt động của Ban vận động ngoại giao văn hóa như vẽ tranh, tặng tranh cho các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán và các hoạt động của ngành Ngoại giao.

Tôi luôn tâm niệm rằng, đã sáng tác là vẽ hết lòng, hết tâm huyết, vận dụng tối đa cảm xúc vào tác phẩm, chứ không phân biệt mục đích vẽ tranh là gì. Tôi vẽ tranh theo lối hiện thực, với đề tài chủ yếu là tĩnh vật, phong cảnh của Việt Nam, những đặc trưng văn hóa Việt Nam… Khi những đề tài như thế được treo trong không gian các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì khách nước ngoài đến thăm, họ sẽ hiểu thêm về văn hóa đất nước, con người Việt Nam. Là họa sĩ, chúng tôi chủ yếu tập trung vẽ, còn kết nối, tổ chức sự kiện thế nào thì nhờ cả vào chị Hương.

Chúng tôi cũng mong muốn được mang tranh đi tham gia các triển lãm ở nước ngoài để có sự giao lưu với họa sĩ và người yêu hội họa quốc tế. Nhờ những chuyến đi đến những miền đất lạ, chúng tôi lại có thêm ý tưởng, thêm cảm hứng để sáng tác. Điều này tự thân chúng tôi cũng khó triển khai được mà cần có sự hỗ trợ của các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán để có điều kiện mang tranh sang tặng, vẽ tranh tại chỗ để tặng và tham gia các hoạt động mỹ thuật ở nước sở tại.