TIN LIÊN QUAN | |
Uruguay: Việc phế truất bà Dilma Rousseff là bất công | |
Brazil: Biểu tình phản đối tân Tổng thống |
Nhiều người không chấp nhận chính phủ mới
Từ khi Thượng viện Brazil bãi nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff ngày 31/8 đến nay, khoảng 100.000 người tại nhiều thành phố lớn như Brasilia, Sao Paulo và Rio de Janeiro đã đổ ra đường biểu tình yêu cầu tân Tổng thống Temer từ chức và hối thúc tổng tuyển cử sớm. Những người tham gia tuần hành chỉ trích ông Temer là "kẻ đảo chính" và sẽ không bao giờ chấp nhận chính phủ của ông này.
Những người biểu tình phản đối Tổng thống Michel Temer. (Nguồn: Reuters) |
Đáng chú ý, ngày 6/9, hàng nghìn nhà hoạt động từ các phong trào nông dân đã tập trung bên ngoài trụ sở Bộ Kế hoạch tại thủ đô Brasilia, phản đối đề xuất cải cách chế độ hưu trí mới của Tổng thống Temer. Những người phản đối cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu lên 65 tuổi đối với cả nam và nữ sẽ lấy mất nhiều quyền lợi của lực lượng lao động, đặc biệt là những người ở nông thôn.
Trước đó, Tổng thống Temer cho biết sẽ thay đổi hệ thống hưu trí hiện hành, quy định nữ phải làm việc ít nhất 30 năm và nam là 35 năm. Theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên 65 tuổi cho cả hai giới, bãi bỏ quy định trước đó đối với lực lượng lao động nông thôn là nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ là 55.
Ông Temer cho rằng, toàn bộ hệ thống chế độ hưu trí của Brazil đang bị lạm dụng, khi những số liệu gần đây của Chính phủ cho thấy nhiều bất cập như tuổi nghỉ hưu trung bình chỉ là 54, cho phép vợ hoặc chồng, con cái của những công chức nhà nước hoặc quân đội được nhận lương hưu đến khi họ qua đời và số tiền chi trả hiện nay đang lạm chi quá mức.
Bộ trưởng Kinh tế Brazil Henrique Meirelles cũng thừa nhận số người tham gia biểu tình phản đối Chính phủ rất đông. Tuy nhiên, ông khẳng định với một nền dân chủ thì việc biểu tình của người dân là điều tự nhiên khi đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đồng thời khẳng định tình hình sẽ nhanh chóng được cải thiện.
Thách thức ngày càng lớn
Chính trường Brazil vốn đã trở nên phức tạp sau khi cựu Tổng thống Rousseff bị đình chỉ chức vụ từ ngày 12/5 để Quốc hội nước này tiến hành quá trình xét xử với cáo buộc vi phạm Luật Ngân sách và Luật Trách nhiệm Tài chính. Bà Rousseff đã bị Thượng viện Brazil phế truất vào ngày 31/8 với 61 phiếu đồng ý và 20 phiếu chống, sau đó ông Temer chính thức nhậm chức Tổng thống và thay bà Rousseff điều hành đất nước tới hết năm 2018. Bà Rousseff cho rằng, việc bỏ phiếu bãi nhiệm bà là một "cuộc đảo chính" và nộp đơn kháng cáo.
Giới quan sát cho rằng, quyết định bãi nhiệm bà Rousseff sẽ khiến chính quyền của tân Tổng thống Temer gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. Đúng như dự đoán của các chuyên gia, trong suốt một tuần qua, sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Temer đã phải đối mặt với hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ.
Tân Tổng thống Brazil Michel Temer đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Bladutch.com) |
Thách thức đối với ông Temer ngày càng lớn khi ngày 7/9, tờ Folha de Sao Paulo đưa tin các công ty tham gia xây dựng nhà máy thủy điện Belo Monte đã hối lộ hơn 41 triệu USD cho đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) của tân Tổng thống Temer, thông qua các khoản đóng góp trong chiến dịch tranh cử giai đoạn 2010-2014. Cảnh sát Brazil đã lần ra dấu vết vụ tham ô này từ lời khai của các nhân chứng trong quá trình điều tra vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Cũng theo báo trên, trong số các chính trị gia được hưởng lợi nhiều nhất từ số tiền tham ô này có nhiều thượng nghị sĩ của PMDP, trong đó có đương kim Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros. Ngoài ra còn có nghị sĩ Romero Juca, người được ông Temer bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kế hoạch trong thành phần chính phủ lâm thời hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, ông Juca đã buộc phải từ chức ít ngày sau đó bởi trong một đoạn băng ghi âm cho thấy, ông này tuyên bố PMDB tìm cách ngăn cản điều tra vụ Petrobras.
Trang sử buồn của Brazil
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế Brazil tỏ ra bi quan về triển vọng kinh tế nước này. Kết quả thăm dò ý kiến của Ngân hàng Trung ương Brazil được công bố cùng ngày 7/9 cho biết, đa phần các nhà phân tích cho rằng, kinh tế Brazil sẽ suy giảm 3,2% trong năm nay, và sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 1,3% trong năm 2017.
Hãng tư vấn Markit thông báo, tháng 8 vừa qua là tháng thứ 18 liên tiếp ngành dịch vụ Brazil tiếp tục suy giảm, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đã có dấu hiệu giảm lại. Hiệp hội Phân phối xe hơi quốc gia Brazil (Fenabrave) cho biết, trong 8 tháng đầu năm, chỉ có khoảng 1,34 triệu xe được bán ra, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2015 do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay.
Nền kinh tế Brazil được dự báo sẽ suy giảm 3,2% trong năm 2016. (Nguồn: cmegroup.com) |
Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua, trong khi mức thâm hụt ngân sách tương đương 10% GDP. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo năm nay nền kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái và tăng trưởng âm 3,5%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần 90 năm, kể từ cuộc Đại suy thoái kinh tế vào thập niên 30 của thế kỷ trước.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil đã trở thành một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ và cục diện chính trường Brazil sắp tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
“Mất và được” ở Brazil Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi nhận được phân công đi nhiệm kỳ tại Brazil là: “Xa thật!". Nhưng, khi đến đây, tôi lại ... |
Brazil: Bà Rousseff sẽ tham gia điều trần trước Thượng viện Ngày 17/8, bà Dilma Rousseff - Tổng thống Brazil đang bị Quốc hội nước này đình chỉ, cho biết đã quyết định điều trần trước ... |
Brazil: Biểu tình phản đối chính phủ trước giờ khai mạc Olympic Ngày 5/8, hàng nghìn người Brazil đã đổ ra đại lộ dọc bờ biển nổi tiếng Copacabana, thành phố Rio de Janeiro, để phản đối ... |