Cách đây vài năm, Brazil được xem là ngôi sao sáng nhất trong các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới. Nhưng hiện nay triển vọng của nền kinh tế nước này mờ mịt, tài chính công căng thẳng, trong lúc vẫn phải chi tiêu nhiều khoản cho việc tổ chức Olympic 2016. Người ta nói rằng, kể từ khi Rio de Janeiro giành được quyền đăng cai Olympic 2016 năm 2009, Brazil đã đi từ trạng thái bùng nổ đến vỡ nợ. Một năm sau, tăng trưởng kinh tế Brazil tụt xuống 3,8% từ mức 7,5%.
Ngổn ngang
Brazil bị cho là một trong những nạn nhân của việc giá dầu thế giới lao dốc. Năm ngoái, chính quyền nước này từng tính toán ngân sách dựa trên giá dầu ở mức 115 USD/thùng. “Giá dầu giảm chẳng khác gì đòn chí mạng dành cho Rio và Brazil”, Thống đốc bang Rio Luiz Pezao từng phát biểu với báo giới như vậy.
Một phụ nữ vô gia cư ngủ bên vệ đường trước đường hầm giao thông có sơn khẩu hiệu Olympic 2016 - "Một thế giới mới". (Nguồn: Jornalagazeta). |
Cùng với nỗ lực chuẩn bị cho ngày khai mạc Olympic, Brazil đã chi nhiều tiền trong bốn năm qua cho chiến dịch xóa bỏ bất kỳ dấu hiệu nào của sự đói nghèo ở thành phố Rio de Janeiro. 40 tỷ Real (khoảng 12,3 tỷ USD) là số tiền mà Brazil đã chi cho cơ sở hạ tầng, khách sạn và các hạng mục phục vụ thế vận hội. Ngày 30/6 vừa qua, Chính phủ nước chủ nhà phải giải ngân 2,9 tỷ Real (895 triệu USD) để trang trải các khoản về an ninh tại Olympic 2016, trong khi tiếp tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp về tài chính chỉ vài tuần trước. Số tiền này nhằm đảm bảo an toàn cho nửa triệu du khách nước ngoài và hơn 10.000 vận động viên dự kiến ở Rio trong thời gian diễn ra Olympic. Trong đó cũng bao gồm chi phí giúp hoàn thành tuyến đường tàu điện ngầm quan trọng để vận chuyển khách từ trung tâm thành phố Rio đến các địa điểm thi đấu.
Theo CNN, tiến độ thi công các công trình phục vụ cho Olympic 2016 đang rất chậm do thiếu kinh phí, có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình và các cuộc tranh tài. Tuyến tàu điện quan trọng này dự kiến hoàn thành chỉ vài ngày trước Lễ khai mạc. Trong khi đó, bang Rio de Janeiro vừa thông báo tình trạng mất khả năng thanh toán, công quỹ trống rỗng, thâm hụt ngân sách hơn 5 tỷ USD.
Không chỉ các dịch vụ công cộng bế tắc vì thiếu kinh phí, các hoạt động kinh doanh tại khu Favela và thành phố Rio de Janeiro vẫn đìu hiu cho dù thành phố này đang chuẩn bị chuẩn bị đón hàng triệu du khách trên toàn thế giới. Theo số liệu ước tính trong năm 2015, có đến hơn 1.200 cửa hàng tại thành phố này phải đóng cửa do doanh thu giảm, trong khi chi phí thuê mặt bằng lại tăng cao.
Tình trạng nhộn nhạo trong xã hội gia tăng, cảnh sát thì không được trả lương trong nhiều tháng qua. Nhiều nhân viên cảnh sát đã giận dữ kéo ra sân bay Rio de Janeiro giương cao biểu ngữ “Chào mừng đến với địa ngục”, “Cảnh sát và lính cứu hỏa không được trả tiền, bất cứ ai đến Rio de Janeiro sẽ không được an toàn”…
Ngôi sao vụt tắt
Theo chuyên gia kinh tế Brazil Mauricio Santoro, cuộc khủng hoảng này không phải do Olympic mà đã bắt nguồn từ nhiều năm trước. Đó là kết quả của sự yếu kém trong quản lý, chi tiêu quá mức và lãng phí của Chính phủ, Olympic chỉ như “giọt nước tràn ly”. Người ta từng hy vọng, Olympic sẽ giúp Brazil vượt qua khủng hoảng, nhưng mới đây, Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đã chỉ ra rằng, thế vận hội sẽ chỉ giúp thành phố Rio cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng nguồn thu thuế, song một khi sự kiện này kết thúc, mọi thứ sẽ trở về như cũ, thậm chí tồi hơn. Tờ Global & Mail ước tính, Brazil có thể lỗ khoảng 6 tỷ USD sau Olympic 2016, nhưng con số dự tính còn lớn hơn.
Năm 2011, Brazil vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới nhờ vào trữ lượng dầu mỏ lớn, dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào, cũng như doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa sang đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2008, nền kinh tế Brazil không chịu ảnh hưởng nhiều, nhưng thời hoàng kim vẫn qua đi.
Tính riêng năm 2015, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latinh phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ Real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% GDP... Ngân hàng trung ương Brazil phải tăng lãi suất đến 14,25%, mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Brazil đang chìm trong cuộc khủng hoảng kéo dài nhất trong lịch sử. Năm ngoái, kinh tế Brazil đã tăng trưởng âm 3,8%, với mức thâm hụt ngân sách tương đương trên 10% GDP. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm nay, kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy giảm và tăng trưởng âm 3,5%. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần chín thập kỷ, kể từ cuộc Đại Suy thoái (1930).
Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Brazil chủ yếu phụ thuộc vào dầu mỏ, đường và cà phê. Đáng tiếc là trong vòng hai năm qua, giá của các mặt hàng này đều giảm mạnh xuống mức thấp nhất và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Thị trường chính là Trung Quốc co hẹp do giảm tăng trưởng. Bên cạnh đó, vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras liên quan tới cựu Tổng thống Dilma Rousseff làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của người dân, giới doanh nghiệp, đầu tư đối với Chính phủ.
Nhiều người dân mất phương hướng, tuyệt vọng vì khó khăn và không thể tìm được việc làm. Dù 60.000 chỗ làm mới đã đến cùng Olympic 2016, nhưng nó cũng sẽ nhanh chóng qua đi, để lại cho họ một cơ hội với những công việc tạm bợ… Rio de Janeiro tuyên bố đã sẵn sàng khai mạc Olympic 2016, và Brazil vẫn chờ đợi những cơ hội thay đổi sẽ diễn ra sau đó…