Anh và EU đã đạt được thỏa thuận thương mại lịch sử hậu Brexit sau chuỗi ngày 'đàm phán marathon' với thời gian dài kỷ lục. (Nguồn: AP) |
EU, Anh đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit
Giới chức Anh và EU tuyên bố, các nhà đàm phán của 2 bên đã hoàn tất thỏa thuận thương mại hậu Brexit trong ngày 24/12.
Một người phát ngôn của Chính phủ Anh khẳng định: "Thỏa thuận đã đạt được". Trong khi một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu đăng tải đoạn tweet cho hay, bà Ursula von der Leyen, chủ tịch cơ quan này, và ông Michel Barnier - trưởng phái đoàn đàm phán của EU sẽ tổ chức họp báo ngay sau đó.
Thỏa thuận đạt được chỉ một tuần trước khi thời kỳ chuyển tiếp chính thức kết thúc vào ngày 31/12 tới. Quốc hội Anh sẽ cần phải thông qua thỏa thuận vào cuối năm trước khi thỏa thuận có thể thực thi kể từ ngày 01/01/2021.
Trong khi đó, EU khả năng sẽ áp đặt cơ chế "áp dụng tạm thời" cho đến khi các nghị sỹ EU bỏ phiếu chính thức thông qua.
Anh đã rời EU vào ngày 31/1/2020. Hai bên đã bế tắc trong các cuộc đàm phán kể từ hồi tháng Ba để quyết định về tương lai mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.
Thủ tướng Anh đánh giá cao thỏa thuận
Phát biểu tại một buổi họp báo, Thủ tướng Boris Johnson nói: "Tôi rất vui mừng được thông báo với các bạn rằng chiều nay, chúng tôi đã hoàn tất thỏa thuận thương mại lớn nhất, có giá trị 660 tỷ Bảng mỗi năm, một thỏa thuận thương mại tự do kiểu Canada giữa Vương quốc Anh và EU".
Ông Johnson tuyên bố, Anh đã giành lại luật pháp biên giới và các khu vực đánh cá.
Đối với EU, người đứng đầu Chính phủ Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ là người bạn của các bạn, đồng minh của các bạn, người ủng hộ của các bạn và thực sự, không bao giờ được phép quên, là thị trường số 1 của các bạn".
Cũng theo Thủ tướng Johnson, Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU vào ngày 30/12.
Trên mạng xã hội Twitter, ông cựu Thủ tướng Anh David Cameron viết: "Thỏa thuận thương mại rất đáng hoan nghênh", đồng thời cho rằng "thật tốt khi kết thúc một năm khó khăn với một số tin tức tích cực".
Trong khi đó, bà Theresa May viết: "Rất hoan nghênh tin tức về việc Vương quốc Anh và EU đạt được sự nhất trí về các điều khoản của một thỏa thuận - vốn mang lại sự tin tưởng cho giới kinh doanh và giúp duy trì dòng chảy thương mại".
Lãnh đạo châu Âu lạc quan về thỏa thuận thương mại hậu Brexit
Ngày 24/12, trên Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh lập trường thống nhất và kiên định của EU dẫn đến việc hoàn tất thành công của thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh.
Theo nhà lãnh đạo Pháp, "thỏa thuận với Vương quốc Anh có vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các công dân của chúng ta, các ngư dân của chúng ta, những nhà sản xuất của chúng ta".
Phát biểu từ thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao thỏa thuận, nhấn mạnh: "Với thỏa thuận đạt được, chúng ta tạo ra được nền tảng cho một chương mới của quan hệ song phương... Anh vẫn là đối tác quan trọng của Đức và châu Âu bên ngoài EU. Đây là một thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử".
Người đứng đầu Chính phủ Đức cũng cho biết, Nội các nước này ngày 28/12 tới sẽ họp để xem xét kỹ văn kiện vừa đạt được, cũng như thống nhất quan điểm của Berlin về thỏa thuận này, đồng thời bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được "kết quả tốt đẹp".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng bày tỏ sự hài lòng về sự nhất trí của EU và Anh. Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh: "Đó là cuộc đàm phán marathon, với thời gian kỷ lục và chặng cuối dài hơi".
Ngoại trưởng Maas cũng khẳng định, trong vai trò là nước chủ tịch Hội đồng EU, Đức sẽ nỗ lực hết sức để thỏa thuận có thể có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo ông, mục tiêu này cũng là một thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt từ mọi phía, song bày tỏ tin tưởng có thể đạt được một kết quả tốt đẹp.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng, thỏa thuận vừa đạt được giữa Brussels và London là "tin tức tốt lành" và Anh sẽ vẫn là một đốt tác và đồng minh trọng điểm của EU và Rome.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cùng ngày cho rằng, thỏa thuận trên sẽ mang lại khả năng duy trì mối quan hệ vững chắc giữa EU và Anh, đồng thời "mang đến những sự đảm bảo quan trọng cho cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp của chúng ta".
Tuyên bố của Thủ tướng De Croo nhấn mạnh: "Hiện nay, chúng ta có thể nỗ lực xây dựng một mối quan hệ mói, vững chắc với Vương quốc Anh, vốn luôn là một tác lịch sử của đất nước chúng ta. Giờ đây là lúc nhìn về tương lai".
Cũng theo Thủ tướng De Croo, Bỉ sẽ cùng 26 quốc gia thành viên khác của EU và Nghị viện châu Âu bắt đầu phân tích thỏa thuận.
Phát biểu tại buổi họp báo cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa EU và Anh là một "thỏa thuận công bằng và cân bằng".
Bà von der Leyen bình luận: "Thỏa thuận này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho một khởi đầu mới với một người bạn lâu năm. Điều đó có nghĩa là cuối cùng, chúng tôi có thể đặt Brexit lại phía sau và châu Âu sẽ tiếp tục tiến về phía trước".
Theo người phát ngôn Sebastian Fischer của Ủy ban thường trực EU, để thỏa thuận kịp thời có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier sẽ giới thiệu tóm tắt thỏa thuận với các đại sứ của 27 quốc gia thành viên của khối trong sáng 25/12. Sau đó, các đại sứ sẽ làm việc trong thời gian nghỉ lễ Giáng sinh để thỏa thuận được thông qua vào cuối năm nay.
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (18-24/12): Giá vàng trở lại đỉnh cao, Anh-EU nhất trí thỏa thuận lịch sử. Trung Quốc mở cửa thị trường 'nịnh' EU TGVN. Giá vàng trở lại mức cao trong thời kỳ bất ổn, Anh-EU nhất trí thỏa thuận lịch sử, Trung Quốc sẽ dành cho EU ... |
| ‘Vận đen’ bủa vây nước Anh, kỳ vọng công bố thỏa thuận thương mại lịch sử hậu Brexit vào đêm Giáng sinh TGVN. Theo tạp chí The Economist, năm 2020, Anh liên tục đương đầu với rất nhiều thách thức, trong đó sự kết hợp giữa bệnh ... |
| Brexit: Các nhà đàm phán Anh-EU đã thực sự nhất trí dự thảo 'thỏa thuận cuối cùng'? TGVN. Theo các quan chức, Anh và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ký một thỏa thuận thương mại lịch sử hậu Brexit vào ... |