📞

Brexit không ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán TTIP

10:26 | 28/06/2016
Điều đó được khẳng định qua chuyến đi của Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom tới Washington vào hôm nay (28/6).
Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom. (Nguồn: Europeansting)

Chuyến đi tới Washington lần này của bà Malmstrom nhằm tiến hành các cuộc thảo luận mới về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà cả hai bên muốn đạt được vào cuối năm nay.

Trong một tuyên bố trước chuyến đi, Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom cho biết, EU sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được một hiệp ước thương mại lớn với Mỹ bất chấp “tình trạng chưa từng có tiền lệ” khi đa số cử tri của Vương quốc Anh quyết định bỏ phiếu đưa nước này rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.

“Trong tình hình chưa từng có tiền lệ này, cho phép tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi chắc chắn và thống nhất về phản ứng của chúng tôi liên quan đến chính sách thương mại EU. Các cuộc đàm phán của chúng tôi với những đối tác chính sẽ tiếp tục”, bà Malmstrom khẳng định.

Về phần mình, Nhà Trắng cũng ra thông báo rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy và đàm phán TTIP với EU sau sự kiện Brexit.

Phát biểu với báo giới, Người Phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz nêu rõ: “Chúng tôi đang làm rõ mức độ ảnh hưởng của Brexit đối với các cuộc đàm phán TTIP. Nếu chúng tôi phải xúc tiến đàm phán riêng rẽ với Vương quốc Anh, xuất phát điểm sẽ thuận lợi vì chúng tôi đã đạt được tiến triển sau nhiều năm đàm phán và đàm phán cũng đã hoàn tất với EU”.

Đồng thời, Người Phát ngôn Nhà Trắng cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau cuộc bỏ phiếu Brexit.

Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls bày tỏ quan điểm cho rằng TTIP đi ngược lại “các lợi ích của EU”. Theo ông Valls, TTIP “sẽ áp đặt quan điểm không chỉ là cái nôi cho chủ nghĩa dân túy mà còn là quan điểm gây hại cho nền kinh tế Pháp”.

Đồng quan điểm trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định EU cần đạt được TTIP nhưng phải đảm bảo hiệp định này mang lại lợi ích cho toàn khối.

Người biểu tình chống TTIP bên ngoài tòa nhà Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: AFP)

Các cuộc đàm phán về TTIP được khởi động từ tháng 7/2013. Cho tới nay, EU và Mỹ đã tiến hành 13 vòng đàm phán nhưng còn nhiều bất đồng chưa thể giải quyết. Một trong những chủ đề gây tranh cãi lớn là việc EU yêu cầu được tiếp cận thị trường mua sắm công của Mỹ, lĩnh vực gần như chỉ có các doanh nghiệp Mỹ mới có khả năng dự thầu.

TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng. Nếu được hoàn tất, hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD/năm, đồng thời tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm. EU và Mỹ hy vọng sẽ đạt được TTIP trong năm 2016.

(tổng hợp)