Anh vẫn mắc kẹt với mớ rắc rối mà họ đã vướng vào suốt những tuần qua – các nghị sỹ không chấp nhận thỏa thuận mà Thủ tướng Theresa May đề xuất, nỗ lực trong vô vọng tìm cách có được sự nhượng bộ của các quan chức EU và mâu thuẫn trong mọi vấn đề trừ một mong muốn chung là tránh khỏi kịch bản nước Anh buộc phải ra đi vào ngày 29/3 tới mà không có bất kỳ thỏa thuận nào với phần còn lại của Liên minh.
Trong tuần này, mọi thứ sẽ thay đổi, hoặc cũng có thể không.
Ảnh minh họa. (Nguồn: 4 New Square) |
Lộ trình của Brexit có thể sẽ phần nào được hé mở sau bài phát biểu về tình hình tiến trình Brexit của Thủ tướng May trước Quốc hội Anh trong ngày 12/2. Sau đó, cơ quan lập pháp sẽ soạn dự thảo và tranh luận các nội dung sửa đổi để tham gia nhiều hơn trong tiến trình Brexit. Một cuộc bỏ phiếu về dự thảo sửa đổi dự kiến diễn ra vào ngày 14/2, song đó không phải là “lá phiếu ý nghĩa”. Cuộc bỏ phiếu để Hạ viện ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận Brexit trước khi trình EU xem xét sẽ không diễn ra trước cuối tháng Hai này, chỉ 1 tháng trước thời hạn chót.
Bế tắc toàn diện
Tuần trước, Thủ tướng May đã có cuộc gặp với các lãnh đạo EU. Trọng tâm chuyến đi đầu tiên tới Brussels sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu chống lại thỏa thuận được đề xuất hôm 29/1 của bà May là tìm kiếm giải pháp mới cho nội dung liên quan tới “chốt chặn cuối tại Ireland”, một điều khoản nhằm tránh việc phải thiết lập các trạm kiểm soát an ninh và hải quan tại biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Ireland (một nước thành viên EU) sau khi Brexit có hiệu lực.
Những người ủng hộ Brexit cứng rắn trong đảng Bảo thủ cho rằng thỏa thuận mà Thủ tướng May đã thảo luận với EU – yêu cầu Anh tuân thủ các quy định hải quan tương tự các nước thành viên của liên minh – có nguy cơ ràng buộc quốc gia này với EU và muốn tìm kiếm một giải pháp tối ưu hơn. Trong khi đó, EU kiên quyết khẳng định sẽ không tái đàm phán nội dung liên quan tới chốt chặn tại Ireland.
Thủ tướng Theresa May đang chịu sức ép từ nhiều hướng. (Nguồn: News.sky) |
Thủ tướng May vẫn chưa từ bỏ nỗ lực của mình và các cuộc thảo luận về vấn đề khó này sẽ tiếp diễn dù nhiều người cho rằng mọi chuyện sẽ là vô ích.Trong ngày 10/2, Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay đã có cuộc gặp với các nhà đàm phán EU về các “thỏa thuận khác”, những gì mà EU khó lòng chấp nhận trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier cho biết, EU sẽ không xem xét lại vấn đề chốt chặn song có thể cân nhắc tuyên bố chính trị, văn bản xác lập một cam kết cho mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU. Tuyên bố này vốn được cho là sẽ khá chung chung, song EU cho biết sẵn sàng nêu một cách chi tiết các vấn đề liên quan, miễn là Anh rõ ràng và cụ thể về những mong muốn của mình.
Hy vọng và thất vọng
Trong suốt tiến trình đàm phán về Brexit, một trong những chỉ trích gay gắt nhất đối với Thủ tướng May là bà không thể xây dựng được sự ủng hộ đa đảng đối với vấn đề này. Những tia hy vọng đã lóe lên hồi tuần trước khi bà cùng lãnh đạo Công đảng có các cuộc thảo luận riêng và ông Jeremy Corbyn đưa ra 5 điều kiện về nội dung cần có trong thỏa thuận để đổi lấy sự ủng hộ của Công đảng.
Cụ thể: 1/ Xây dựng liên minh hải quan vĩnh viễn và toàn diện trên toàn lãnh thổ Anh, một thỏa thuận về chính sách thương mại với tiếng nói của Anh trong các thỏa thuận thương mại tương lai của EU; 2/ Thiết lập quan hệ chặt chẽ và gần gũi với thị trường chung, dựa trên việc tham gia các thể chế và cam kết chung, với cơ chế giải quyết tranh chấp cụ thể; 3/ Xây dựng các quyền hạn và quyền bảo hộ tối ưu để các tiêu chuẩn của Anh duy trì nhịp độ ở mức tối thiểu với các tiêu chuẩn tại châu Âu, cho phép Anh có vai trò quyết định trong vấn đề này; 4/ Có các cam kết cụ thể về việc tham gia các cơ quan và các chương trình góp quỹ của EU, trong các lĩnh vực như môi trường, giáo dục và quản lý công nghiệp; 5/ Có các thỏa thuận rõ ràng về chi tiết các dàn xếp an ninh trong tương lai, bao gồm việc tiếp cận cơ sở dữ liệu chung của EU và Luật bắt giữ châu Âu.
Tuy nhiên, Thủ tướng May đã khước từ các đề xuất của Công đảng và những lạc quan vừa lóe lên đã nhanh chóng bị dập tắt.
Trong bài phát biểu trước cơ quan lập pháp ngày 12/2, Thủ tướng May có lẽ tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sỹ đối với chiến lược hiện tại của mình, về cơ bản là làm thế nào để có thêm người hậu thuẫn thỏa thuận, với những thay đổi về nội dung liên quan tới chốt chặn cuối tại Ireland. Nhiều khả năng nhà lãnh đạo Anh sẽ nói ngắn gọn về chuyến đi Brussels hồi tuần trước và những tiến triển – thực tế là gần như không có gì – mà chính phủ đã đạt được.
Các nhà lập pháp sẽ lại có cơ hội để đưa ra quan điểm của mình, ủng hộ lộ trình mà bà May lựa chọn hoặc đưa ra những sửa đổi có thể giúp Quốc hội có tiếng nói lớn hơn trong tiến trình Brexit.
Nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận đang hiển hiện. (Nguồn: lamexpat) |
Có thể thấy những diễn biến kể trên khá quen thuộc, bởi nó đã từng diễn ra hồi tháng trước, và nhiều khả năng người ta sẽ lại nêu lên những sửa đổi tương tự những gì từng thất bại trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng trước. Tuy nhiên, nghị viện Anh đã mạo hiểm. Thay vì nắm quyền kiểm soát, họ lại đẩy Thủ tướng May tới Brussels với một nhiệm vụ không thể thành công là thuyết phục EU tái đàm phán về chốt chặn tại Ireland. Nghị viện Anh cũng đã mắc sai lầm khi thông qua nội dung sửa đổi nói rằng các nghị sỹ phản đối việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận song tuyên bố này lại không có tính ràng buộc, và vì vậy không thể gây sức ép đối với chính phủ của bà May.
Các nghị sỹ Công đảng tuyên bố sẽ đề xuất sửa đổi nội dung buộc Thủ tướng May đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu trước ngày 26/2. Liệu kịch bản cũ có tái diễn hay không là điều chưa thể nói trước, song nhìn vào những gì đang diễn ra trong tiến trình Brexit, người ta có thể khẳng định một điều rằng thời gian đang không thuộc về bất kỳ ai.
Trong khi đó, tờ The Sun (Anh) mới đây cho biết nhiều bộ trưởng cho rằng Thủ tướng May có thể từ chức vào mùa Hè này, ngay khi tiến trình Brexit chính thức khởi động. Nhiều khả năng Thủ tướng May sẽ sớm từ bỏ cương vị bởi dù đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng Một vừa qua song gần đây bà tỏ ra khá hờ hững với việc đưa ra chiến lược hậu Brexit trong thời gian tới.
Trước đó, bà May từng tuyên bố sẽ không tham gia các cuộc bầu cử trong năm 2022 với tư cách lãnh đạo đảng Bảo thủ, một động thái được xem là mở đường cho người kế nhiệm trước 2021. The Sun nhận định việc từ chức sớm có thể là chiến lược để bà May tạo dựng ảnh hưởng với nhân vật này, đồng thời cản trở đối thủ Boris Johnson lên nắm quyền.