TIN LIÊN QUAN | |
Brexit: Chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” của bà May có thể gặp nguy hiểm | |
Brexit: Quốc hội Anh bác kiến nghị của Thủ tướng Theresa May |
Đế quốc Anh trước đây đã hệ thống hóa vấn đề địa lý và quyền lực. Một thế kỷ sau, chính sách này đang đe dọa chính Vương quốc Anh. Tiến trình Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May theo đuổi có nguy cơ khơi lại những xung đột từng nhức nhối tại Bắc Ireland trong nhiều thập kỷ. Để tránh được những tổn thương, người ta cần một Brexit suôn sẻ hơn.
Giải mã "chốt chặn Ireland"
Brexit đe dọa đảo ngược nền hòa bình đã tồn tại suốt hai thập kỷ qua. Trong khi tỷ lệ ủng hộ việc rời bỏ EU trên toàn bộ Vương quốc Anh là 51,9% thì có tới 56% người Bắc Ireland muốn ở lại. Duy trì hòa bình chính là động lực của người dân nơi đây bỏ phiếu ủng hộ điều này. Tuy nhiên, việc Thủ tướng May quyết tâm theo đuổi một “Brexit quyết đoán”, rời bỏ cả khối thị trường chung và liên minh hải quan, đã đẩy vấn đề biên giới với Ireland tới chỗ căng thẳng. Nếu Vương quốc Anh rời khỏi EU trong khi Cộng hòa Ireland vẫn tiếp tục là thành viên của khối, đường biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland, về cơ bản sẽ trở thành “đường biên giới cứng”, dẫn đến phải thiết lập các trạm giám sát và kiểm soát hải quan.
Ảnh minh họa: Enniskillen - thị trấn nổi tiếng của quận Fermanagh, Bắc Ireland. (Nguồn: AFP) |
Những nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp trong suốt 2 năm đàm phán giữa Anh và EU đã thất bại hoàn toàn. Đó là lý do vì sao nội dung liên quan tới cái gọi là “chốt chặn cuối tại Ireland” được đưa vào Thỏa thuận Ra đi mà London và Brussels ký hôm 14/11/2018. Nói một cách đơn giản, chốt chặn cuối là một thỏa thuận nhằm tạo ra một “lưới an toàn” để đảm bảo sau khi Anh rời EU theo đúng thời hạn 29/3/2019, cả Bắc Ireland và Vương quốc Anh vẫn tiếp tục tham gia liên minh hải quan, và Bắc Ireland vẫn là một thành viên của thị trường chung cho tới khi người ta nhất trí về “các thỏa thuận thay thế” thỏa mãn yêu cầu của tất cả các bên. Cả London và Brussels đều xem chốt chặn cuối là một biện pháp tạm thời và để tránh sự tồn tại vĩnh viễn của nó, người ta vẫn cần đàm phán về “các thỏa thuận thay thế” đầy khó khăn.
Những người ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ cầm quyền đã đưa ra nhiều đề xuất để hóa giải khúc mắc, chẳng hạn như xây dựng “mô hình linh hoạt hóa tối đa” dựa trên các trạm kiểm soát được số hóa với công nghệ tân tiến, cơ chế thương mại dựa trên lòng tin, cấp thẻ nhận diện, và thậm chí là sử dụng cả các phương tiện không người lái để kiểm soát an ninh tránh việc phải thiết lập một đường biên giới thực sự. EU đã cân nhắc các cơ chế này và rồi cho rằng chúng là vô tác dụng. Đối với những thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit, cũng như 10 nghị sỹ đảng Liên hiệp Dân chủ Bắc Ireland (DUP) tại Hạ viện, lực lượng giúp Thủ tướng May duy trì chính phủ thiểu số, nội dung liên quan tới “chốt chặn cuối” là điều khiến họ rất không hài lòng. Họ cho rằng nếu không có “các thỏa thuận thay thế”, Anh sẽ vĩnh viễn bị ràng buộc bởi liên minh hải quan, không thể ký các thỏa thuận thương mại song phương với nước thứ ba - điều mà họ xem là mục tiêu cuối cùng của Brexit.
Đó là lý do vì sao Hạ viện đã bỏ phiếu phản đối mạnh mẽ thỏa thuận của Thủ tướng May vào ngày 15/1.
Ba khía cạnh trong vấn đề biên giới
Đối với hầu hết các chính trị gia Bảo thủ và Thủ tướng May, vấn đề cơ bản nằm ở chỗ cần phải tuân thủ pháp luật tuyệt đối, cách để tìm ra một giải pháp thực tế cho khúc mắc mà người ta chưa hề nghĩ đến trong chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu ý dân. Những người ủng hộ Brexit cho rằng đây không phải là vấn đề gì quá lớn. Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson thậm chí còn tuyên bố rằng đường biên giới tại Ireland chỉ đơn thuần là một hình thức ngăn cách 2 thành phố. Tuy nhiên, đối với những người tại Westminster, chốt chặn cuối là nguyên nhân khiến họ khó có thể thúc đẩy một tiến trình Brexit quyết đoán.
Những người biểu tình ủng hộ Brexit. (Nguồn: Independent) |
Đối với chính phủ Ireland và người dân tại cả hai phần trên hòn đảo bị chia tách này, đường biên giới là vấn đề liên quan tới mối quan hệ giữa hai cộng đồng, là vấn đề về lịch sử, địa lý, văn hóa, hòa bình, hòa giải và sâu xa hơn nữa là về biểu tượng và bản sắc. Đó là một mối đe dọa có thật đối với người dân nơi đây.
Vấn đề then chốt của EU là “sự thiêng liêng” của thị trường đơn nhất. Với những tuyên bố của lực lượng ủng hộ Brexit, Brussels cho rằng ý định của Anh là phát triển một nền kinh tế và một thị trường với những nguyên tắc và quy chuẩn khác hẳn với những gì tồn tại trong EU. Anh muốn trở thành một nền kinh tế với thị trường lao động chất lượng thấp, linh hoạt, ít bó buộc, hoặc thậm chí là một “thiên đường thuế” đối với các nhà đầu tư nước ngoài và dần trở thành một đối thủ cạnh tranh thiếu công bằng với EU. Trong bối cảnh đó, đường biên giới thực duy nhất trên đất liền giữa Ireland và Bắc Ireland đòi hỏi phải thiết lập lên những trạm giám sát và kiểm soát hải quan. Nếu không Anh về cơ bản sẽ hủy hoại các cơ chế quy chuẩn và nguyên tắc của thị trường đơn nhất.
Hiển hiện những hệ lụy tồi tệ
EU đang kẹt giữa hai lựa chọn tồi tệ như nhau: một Brexit không có thỏa thuận hoặc việc thiết lập một đường biên giới với đầy rẫy những lỗ hổng giữa Anh và EU trong tương lai. Với bối cảnh hiện tại, đa phần người ta đều cho rằng EU sẽ lựa chọn một Brexit không có thỏa thuận, nếu đó cũng là ý định của bà May, dù rằng nó sẽ kéo theo những hệ lụy tồi tệ cho tất cả các bên.
Đối với châu Âu, chính trường Anh là nguyên nhân dẫn đến Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May chỉ có thể duy trì chiếc ghế của mình nếu bà giữ cho đảng Bảo thủ thống nhất. Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng, có thể kỳ vọng vào việc trở thành Thủ tướng Anh nếu ông duy trì sự nhất quán trong chính đảng của mình. Brexit đã gây chia rẽ sâu sắc ngay trong chính nội bộ các chính đảng này với “các chính sách” Brexit về cơ bản chỉ là nhằm hạn chế mâu thuẫn nội bộ. Đối với nhiều nhà phân tích, cả đảng Bảo thủ và Công đảng đều đang hy sinh tương lai của đất nước mà họ cam kết sẽ dẫn dắt chỉ để đổi lấy sự thống nhất hão huyền trong chính đảng của mình. Trong khi đó, người dân Ireland đang đứng trước nguy cơ trở thành “nạn nhân” của những nỗ lực cực kỳ khó hiểu này.
Một Brexit không có thỏa thuận sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tồi tệ. (Nguồn: BBC) |
Tại Diễn đàn Tài chính châu Âu tại Dublin mới đây, Thống đốc ngân hàng trung ương Ireland Philip Lane cảnh báo rằng kịch bản Anh phải rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không kèm bất kỳ thỏa thuận nào sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực tới hầu hết các hoạt động kinh tế tại Ireland. Ông cho biết ngân hàng trung ương dự đoán một Brexit gập ghềnh sẽ khiến nền kinh tế Ireland sụt giảm 4% trong năm đầu tiên.
Theo lãnh đạo ngân hàng trung ương Ireland, bên cạnh sự gián đoạn của những thỏa thuận thương mại quốc tế, các diễn biến tiêu cực của nền kinh tế Anh cũng tác động không nhỏ tới tình hình tại Ireland. Theo ông, giá trị đồng bảng Anh tiếp tục sụt giảm so với đồng euro sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp vốn lệ thuộc vào thị trường Anh. Tuy nhiên, ông Lane khẳng định ngân sách chính phủ đủ để chống đỡ với một cú sốc tài chính, đồng nghĩa với việc Ireland có thể sẽ không phải triển khai biện pháp “siết chặt tài chính tuần hoàn”.
Brexit theo cách của bà May - điên rồ đôi lúc lại là khôn ngoan Thủ tướng Anh Theresa May đã bước thêm một bước, tiến gần hơn đến một Brexit "cheo leo vách đá" khi ngày 12/2 bà kêu ... |
Các nền kinh tế Đông Nam Á vươn mình bất chấp những cơn gió ngược Những gián đoạn hiện tại do hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hoặc Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu ... |
Thủ tướng May đang "câu giờ" chờ Brexit? Thủ tướng Anh Theresa May đã đề ra các kế hoạch để “né” các quy định của Hạ viện nhằm kịp thời thông qua một ... |