Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao về triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát triển ngành ngoại giao, ngày 29/8/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chia sẻ một vài suy nghĩ về đối ngoại - ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới. Việc đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình là phù hợp với xu thế của thời đại và thực tiễn, kinh nghiệm của các nước đi trước. Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh để một quốc gia vươn lên trong nền chính trị, kinh tế và văn minh thế giới đòi hỏi có sự bứt phá mạnh mẽ, tạo sự thay đổi căn bản về chất.
Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu có sự tham gia của tất cả các ngành, lĩnh vực, lực lượng, của cả hệ thống chính trị và của toàn thể dân tộc. Bài học của các quốc gia đi trước cho thấy trong quá trình đó, đối ngoại đóng vai trò quan trọng, định vị Việt Nam thuận lợi trong dòng chảy của thời đại và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phục vụ cho sự vươn mình của đất nước.
Một là trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự ổn định và phát triển của các quốc gia đều không thể tách rời môi trường khu vực và quốc tế bên ngoài. Yếu tố bảo đảm cho sự vươn lên của dân tộc là môi trường chiến lược hòa bình, hữu nghị, hợp tác thuận lợi cho phát triển. Do đó nhiệm vụ của đối ngoại là làm thế nào củng cố, giữ vững cục diện này vững vàng trước các biến động, tạo điều kiện cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Hai là đối ngoại có thể đóng vai trò kiến tạo, động lực, mở ra các cơ hội mới cho đất nước vươn mình. Trong đó đối ngoại đóng vai trò kết nối nội lực với ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đó là các nguồn lực về thương mại, đầu tư, ODA, là các xu thế phát triển và liên kết kinh tế, là trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, dựa trên luật pháp quốc tế, là sức mạnh của kỷ nguyên cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa...
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Bộ Ngoại giao ngày 12/12. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ba là thế và lực mới của đất nước về kinh tế, an ninh, quốc phòng và đối ngoại trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu về tâm thế và vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam có khả năng, điều kiện tham gia nhiều hơn nhưng cũng được kỳ vọng đóng góp nhiều hơn cho hoà bình, phát triển và giải quyết các vấn đề chung của nhân loại, góp phần xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế.
Bốn là tầm vóc lịch sử và văn hóa, vị thế chính trị và kinh tế của đất nước tạo điều kiện cho việc phát huy “sức mạnh mềm” của dân tộc, lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, hoà hiếu, hợp tác, hữu nghị, phát triển. Đó là sức mạnh tổng hợp của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, là đường lối đối ngoại hòa bình, xử lý các vấn đề quốc tế hài hòa, có lý, có tình, tôn trọng luật pháp quốc tế, là sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới.
Cuối cùng, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đòi hỏi cần xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao ngày càng toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Theo đó sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác đối ngoại tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả song hành với các cơ chế, chính sách thuận lợi cho công tác đối ngoại; xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại, ngoại giao không chỉ có trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị mà còn phải dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám tiên phong, đột phá, có kỹ năng và trình độ ngang tầm quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam ngày 22/10. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Năm 2025, chúng ta sẽ kỷ niệm một loạt sự kiện trọng đại của đất nước. Ngành Ngoại giao sẽ có kỷ niệm 80 năm thành lập Ngành như thế nào, thưa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng?
Năm 2025 là năm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc ta, là năm kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm thành lập nước và 50 năm thống nhất đất nước, năm nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng thời cũng là năm bản lề bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong không khí phấn khởi đó, Bộ Ngoại giao sẽ kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2025). Ngành Ngoại giao Việt Nam rất vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, nhà ngoại giao kiệt xuất trực tiếp đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam luôn phát huy truyền thống vẻ vang, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đối với toàn ngành Ngoại giao, đây sẽ là một dịp hết sức đặc biệt để các thế hệ cán bộ ngoại giao cùng nhìn lại chặng đường 80 năm vẻ vang với những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước. Các hoạt động kỷ niệm sẽ là cơ hội để tôn vinh, tri ân những cống hiến của các thế cán bộ ngoại giao đi trước, tăng cường giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng và khởi dậy niềm tự hào cho các thế hệ cán bộ ngoại giao kế cận.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trước khi đi nhận nhiệm vụ, ngày 18/12. (Nguồn: quochoi.vn) |
Đồng thời đây cũng là dịp để phát huy truyền thống vẻ vang 80 năm của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, hướng tới xây dựng nền đối ngoại - ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập Ngành trải dài trong cả năm 2025, trong đó có Lễ kỷ niệm với sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương; các cuộc gặp mặt với các thế hệ cán bộ ngoại giao, Trưởng Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế; các cuộc triển lãm và hội thảo khoa học, các buổi tọa đàm, nói chuyện, các ấn phẩm về lịch sử, truyền thống, công tác của Ngành cùng các hoạt động kỷ niệm phong phú, đa dạng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.
Nhìn lại gần 40 năm làm việc trong ngành Ngoại giao, đâu là những kỷ niệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cảm thấy đáng nhớ nhất?
Là những cán bộ làm công tác đối ngoại, có lẽ những kỷ niệm sâu sắc nhất cũng là những điều đáng tự hào nhất là trong tiếp xúc, gặp bạn bè quốc tế, chúng tôi được nghe những đánh giá tích cực, sự ngưỡng mộ và khâm phục đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Có thể nói câu chuyện Việt Nam đã truyền cảm hứng cho cộng đồng quốc tế về sự một đất nước vươn lên từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây cấm vận, trở thành biểu tượng hòa bình, hữu nghị, phát triển năng động và đóng vai trò tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Tổng kết 40 năm Ngoại giao Việt Nam thời kỳ Đổi mới”, ngày 28/8. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong nhiều thập kỷ đã đi qua, Việt Nam được xem là một biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc, là hiện thân của một đất nước anh dũng, kiên cường. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao ta đến các nước, lãnh đạo và bạn bè quốc tế còn nhắc mãi đến cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam, cho đó là “lương tri” của thời đại và còn nguyên giá trị cho thế giới ngày nay.
Tiếp nối niềm tự hào đó, Việt Nam còn được đánh giá cao từ góc độ của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ, phát triển năng động và đóng góp tích cực, trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới.
Việt Nam đã trở thành một hình mẫu thành công trong phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong nhiều năm trong khi bảo đảm công bằng, tiến bộ về xã hội. Vì lý do đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong nhiều cuộc tiếp xúc đã nhắc đến Việt Nam như một “hình mẫu của hòa bình và phát triển bền vững”.
Những cán bộ làm công tác đối ngoại cảm thấy rất tự hào, tự tin khi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa của ta đã góp phần bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận quốc tế mong muốn tìm hiểu tại sao Việt Nam có thể duy trì quan hệ cân bằng, hài hòa, tích cực với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống trong bối cảnh quốc tế đầy biến động.
Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng!