Nền kinh tế hiện đang hướng đến đà tăng song làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện cuối tháng 4 đầu tháng 5 đã làm chệch đà phục hồi. (Nguồn: Vietnambiz) |
Bước sang năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế Việt Nam quý I/2021 tiếp tục được điểm tô thêm những mảng màu tươi sáng nhờ các biện pháp quyết liệt chống dịch của Chính phủ và các địa phương.
Nền kinh tế hiện đang hướng đến đà tăng song làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện cuối tháng 4 đầu tháng 5 đã làm chệch đà phục hồi. Tác động tiêu cực dễ nhận thấy nhất đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam là trong tháng 5, và 5 tháng, cán cân thương mại đã đảo chiều từ trạng thái xuất siêu sang nhập siêu. Tháng 5 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Ước tính 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD.
Ảnh hưởng của đợt dịch này rất lớn vì các ca bệnh lây trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, tổ chức kinh tế. Diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tới hoạt động vận tải và du lịch, thương mại, bán lẻ…
Trong 5 tháng đầu năm nay, có 59,8 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước trong bối cảnh hàng hóa vật liệu trên thế giới tăng mạnh. Nguy cơ lạm phát là rất lớn cho nhiều nền kinh tế và cả Việt Nam.
Dù vậy trong bức tranh ấy vẫn nổi lên điểm sáng. Trong tháng 5, sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng nhờ nhu cầu vững chắc trên thị trường thế giới, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư nước ngoài tăng trở lại, 5 tháng đạt gần 14 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7%.
Từ nay đến cuối năm, triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam vẫn bị phủ bóng bởi nhiều bất trắc khi hoạt động kinh tế vẫn phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19, tiến độ tiêm chủng vaccine và sự xuất hiện của các biến thể mới.
Dịch Covid-19 sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, đến an sinh xã hội và các hộ kinh doanh, DN. Trong giai đoạn này, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần khống chế không để “vết sẹo kinh tế” kéo dài và thúc đẩy đầu tư công, điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt. Việc đảm bảo nguồn vaccine phòng Covid-19 cũng được xem làchìa khóa then chốt để đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng.
Hơn một tháng kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Chính phủ đã có ứng phó linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép”, chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công, từ lấy việc khoanh vùng dập dịch là phương thức chủ yếu sang phương thức tăng cường vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi đại dịch kết thúc.
Chính phủ và các địa phương đã và đang miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh. Quan trọng hơn, phần lớn các DN đề nghị cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, DN cũng tìm cách vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, khai thác tối đa những tiềm năng của DN và cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Chính phủ và DN, người dân đang đồng lòng, hạ quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19, vượt qua khó khăn, thực hiện thành công "mục tiêu kép".