Nhỏ Bình thường Lớn

Bức tranh tái cơ cấu nợ của Ukraine không chỉ màu hồng

Sau nhiều tháng đàm phán với các chủ nợ, tuần qua, Ukraine đã đạt được một thỏa thuận nhằm tái cơ cấu khoảng 18 tỷ USD các trái phiếu quốc tế, cũng như các loại nợ khác của nước này.
Ngân hàng Trung ương Ukraine (Nguồn: The Economist)

Thời hạn thanh toán các khoản nợ tạm thời được đẩy lùi, có nghĩa là Chính phủ Ukraine sẽ không cần phải lo đến bất kỳ khoản gốc hoặc lãi của các khoản nợ cho đến năm 2019. Ngoài ra, thỏa thuận nói trên cũng giúp nước này xóa được khoảng 20% nợ nước ngoài. The Economist số ra ngày 29/8 bình luận rằng, nhiều người đã nhầm tưởng đây là một chiến thắng.

IMF là nhân tố quan trọng
Thoạt nhìn, thỏa thuận này có vẻ tốt cho Ukraine hơn mong đợi của nhiều người. Hiếm có nước nào giảm được nợ mà không bị vỡ nợ (Hy Lạp là một ngoại lệ). Khi khởi động các cuộc đàm phán, các chủ nợ đều đã thẳng thừng từ chối việc xem xét xóa bất kỳ khoản nợ nào cho Ukraine, không những thế, họ còn cho rằng, riêng thời gian trì hoãn trả nợ cũng đủ để Ukraine khôi phục tình hình tài chính của mình. Tuy nhiên, cương quyết tuyên bố dừng trả nợ (đồng nghĩa với vỡ nợ) của Chính phủ Ukraine có thể đã góp phần làm các chủ nợ phải xuống thang.

Ukraine càng trở nên cứng rắn hơn nhờ vào quan điểm của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Quỹ này đã cho Ukraine vay tổng cộng khoảng 11 tỷ USD, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hồi năm ngoái. Theo IMF, Ukraine cần được trợ giúp nhiều hơn nữa để có thanh khoản và nhờ đó có thể tiếp tục trả nợ. Quỹ này cũng đã cam kết cho vay thêm 11 tỷ USD vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, sau khi xem xét thực tế nền kinh tế Ukraine,và điều kiện để giải ngân 1,7 tỷ USD tiếp theo vào mùa Thu năm nay, Quỹ này đã ra điều kiện buộc Ukraine phải cơ cấu lại nợ. Ukraine tuyên bố rằng, để có thể duy trì các khoản nợ và từ đó được vay thêm, Ukraine cần phải giảm được 15,3 tỷ USD gốc và lãi vào năm 2018 và giảm tỷ lệ nợ công/GDP xuống 71% GDP vào năm 2020.

Chưa vội mừng
Sau khi xem xét toàn bộ các khoản nợ đã được cơ cấu lại, Ukraine có thể sẽ đáp ứng được điều kiện đầu tiên. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào sự chấp nhận thỏa thuận nói trên của hàng trăm chủ sở hữu trái phiếu quốc tế của Ukraine. Trong đó, Nga hiện nắm giữ 3 tỷ USD trái phiếu đến hạn trong tháng Mười Hai tới và đã tuyên bố không chấp nhận Thỏa thuận.

Cả các chính phủ và các chủ nợ đều cho rằng, Ukraine nên đi theo hướng đáp ứng điều kiện tỷ lệ nợ/GDP, với điều kiện tăng trưởng kinh tế phù hợp như mong đợi. Có như vậy, IMF mới có thể tiếp tục cho họ vay. Nhưng để đạt được điều kiện đó có vẻ không dễ dàng. Đến cuối năm nay, GDP của Ukraine có thể đạt gần 70 tỷ USD, tức là nó đã giảm khoảng 60% trong hơn hai năm qua. Cụ thể, trong quý I, nó đã giảm 17% so với cùng kỳ năm trước và 15% trong quý thứ hai, khiến mục tiêu tỷ lệ nợ GDP do IMF đề ra trở thành thách thức. Hơn nữa, vẫn còn khoảng 50 tỷ USD nợ công bao gồm cả các khoản vay ưu đãi, đã không nằm trong các cuộc đàm phán. Thực ra, các chủ nợ muốn Ukraine trả IMF hơn 4 tỷ USD trước năm 2019. Thỏa thuận, chỉ giải quyết được một phần nhỏ trong tổng số nợ công của Ukraine, từ 71 tỷ USD xuống còn 67 tỷ USD.

Thêm vào đó, trong ngắn hạn, thỏa thuận này không có tác động nhiều tới người dân Ukraine, những người mà bây giờ còn nghèo hơn rất nhiều so với thời Liên Xô tan rã. Đồng nội tệ của Ukraine, vẫn còn rất yếu với mức lạm phát gần 60%, trong khi đó, triển vọng dài hạn không tốt hơn là mấy, ngay cả khi chiến tranh chấm dứt vào ngày mai, nước này cũng sẽ cần đến hàng chục tỷ USD để tái thiết.

Lệ Chi (lược dịch)