📞

Bùng nổ bất động sản công nghiệp tại Việt Nam

Bảo Lan 08:30 | 04/07/2021
Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp tại Việt Nam ở cả hai miền Nam và miền Bắc đều rơi vào tình trạng khan hiếm, trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo CBRE Việt Nam, "Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhất để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới”. (Nguồn: Zing)

Bùng nổ mạnh mẽ

Theo đánh giá của CBRE Việt Nam (Tập đoàn CBRE Group, Inc. NYSE: CBG), kể từ khi thị trường BĐS Việt Nam hình thành, đây là giai đoạn BĐS công nghiệp bùng nổ mạnh nhất.

Số liệu báo cáo của CBRE Việt Nam cho thấy, dịch Covid-19 vẫn tác động không nhỏ đến hoạt động đi lại, nhưng trong hai quý gần đây, sáu khu công nghiệp (KCN) mới ra mắt.

Trong đó, KCN Việt Phát của Công ty CP Quản Lý KCN Sáng tạo Việt Nam tại Long An có quy mô lớn nhất với diện tích 1.800 ha. Năm cái tên còn lại là là KCN Nam Tràng Cát (200ha) và KCN Thủy Nguyên (319ha) tại Hải Phòng đều của Tập đoàn Vingroup; KCN Phú Mỹ 3 (999ha) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (238ha) của Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc tại Bắc Ninh và KCN Sông Lô 1 (177ha) tại Vĩnh Phúc của Công ty Cổ phần Đầu tư TNI Holding.

Bên cạnh đó, CBRE cũng công bố hàng loạt thương vụ M&A trong năm 2020, với sự tham gia của các ông lớn về kho xưởng quốc tế như Tập đoàn Logos Property của Australia đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh BĐS logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Hay “gã khổng lồ” kho bãi châu Á GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam, hoặc tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỉ USD tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh...”

Trong lĩnh vực sản xuất, tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan, Trung Quốc), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Đặc biệt trong quý III/2020, Hà Nam đón đầu làn sóng FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD, tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD.

Dự án sản xuất lớn nhất tại tỉnh Hà Nam cũng đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ tập đoàn Wistron (Đài Loan, Trung Quốc).

Tiềm năng thị trường lớn

Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn và Quản lý Kinh doanh Khu Công nghiệp và Văn phòng cho thuê của CBRE Việt Nam, sự tăng trưởng mạnh của các công ty thương mại điện tử và logistics kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ và cơ sở phân phối.

Ngoài ra, nhu cầu chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các khu vực có lợi thế cạnh tranh và an toàn cho đầu tư hơn như Việt Nam, cũng như Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, là những lý do góp phần đưa Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhất để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Do đó, nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận tăng lên đáng kể, nhất là tại các vị trí đắc địa với hạn chế về nguồn cung đất công nghiệp, kho cao tầng sẽ bắt đầu xuất hiện nhằm tạo không gian lưu trữ lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của các công ty thương mại điện tử, đặc biệt là để làm địa điểm giao hàng chặng cuối.

CBRE cũng đã ghi nhận, giá thuê đất tại một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TP. HCM, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20% đến 30% theo năm và nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên toàn Việt Nam.

CBRE cũng ghi nhận số lượng lớn các nhu cầu và các giao dịch kí hợp đồng mua đất, thuê nhà xưởng đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản đến từ ngành công nghiệp phụ trợ/ chế tạo ô tô.

Cũng theo ông Hiếu, việc mở rộng của các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng các cơ sở sản xuất trong bối cảnh đẩy mạnh sự di dời chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và một nền kinh tế châu Á, sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu xây dựng BĐS công nghiệp của Việt Nam trong những năm tới.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư KCN cũng đang thực hiện các thay đổi về phát triển sản phẩm để thích ứng với tình hình mới. Đồng thời, các điểm nổi bật là sự áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý và vận hành cơ sở hạ tầng, cung cấp các gói dịch vụ bao gồm dịch vụ pháp lý, nhân sự để giúp khách thuê tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án.

Tất cả các yếu tố đó, đang dần tạo nên một mô hình phát triển BĐS công nghiệp mới tại Việt Nam, tích hợp việc đầu tư và cung cấp BĐS cũng như các dịch vụ hỗ trợ quản lý.

“Tôi cho rằng, Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng trên thế giới đang dần ủy thác. Điều này thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam hơn, bất chấp những khó khăn hiện tại do đại dịch Covid-19 gây ra”, ông Lê Trọng Hiếu kết luận.