Bộ Thương mại Mỹ đang tìm cách tăng gấp đôi thuế suất đối với hầu hết các nhà sản xuất gỗ mềm của Canada. ( Nguồn: CTV news) |
Theo một quyết định mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ về các mức thuế sơ bộ, Mỹ muốn tăng tổng thuế suất (kết hợp giữa thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá) đối với hầu hết các nhà sản xuất gỗ của Canada lên 18,32%, từ mức 8,99% hiện tại.
Đề xuất tăng thuế này là kết quả của đợt rà soát lần thứ hai của Bộ Thương mại Mỹ về thuế quan. Tuy nhiên, các mức thuế đề xuất sẽ không có hiệu lực ngay lập tức và sẽ được xem xét thêm trong 6 tháng tới, trước khi cơ quan chức năng đưa ra quyết định cuối cùng.
Động thái trên của Bộ Thương mại Mỹ dựa trên việc xem xét dữ liệu từ năm 2019, thời điểm gỗ xẻ được giao dịch chủ yếu với mức giá từ 300-400 USD/1.000 board foot (board foot là đơn vị đo lường gỗ xẻ).
Bà Susan Yurkovich, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Gỗ xẻ British Columbia, cho rằng đề xuất tăng mạnh thuế của Mỹ là một động thái nghiêm trọng. Theo bà Yurkovich, do các nhà sản xuất Mỹ hiện vẫn không thể đáp ứng nhu cầu trong nước, các mức thuế "không xác đáng" này cuối cùng sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ.
Chính vì vậy, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Mỹ đã dẫn đầu một chiến dịch vận động hành lang để chính quyền Tổng thống Joe Biden đạt một thỏa thuận mới về gỗ xẻ giữa Canada và Mỹ.
Theo ước tính của Hiệp hội này, để xây dựng một ngôi nhà đơn lập dành cho một hộ gia đình ở Mỹ, nguồn cung gỗ xẻ hiện lên tới gần 53.000 USD, tăng gấp ba lần trong năm qua.
Sản lượng gỗ của Mỹ chỉ chiếm 70% nhu cầu trong nước và Canada cung cấp phần lớn nhu cầu chưa được đáp ứng tại thị trường này. Đây là nguyên nhân khiến Liên minh gỗ của Mỹ (đại diện cho các nhà sản xuất Mỹ và chủ sở hữu rừng tư nhân) hoan nghênh đề xuất tăng thuế của Bộ Thương mại. Đồng Chủ tịch liên minh Jason Brochu nhận định: "Việc thực thi thương mại mạnh mẽ đang tạo ra niềm tin lâu dài vào ngành gỗ xẻ của Mỹ. Đây chính xác là những gì phải xảy ra để mở rộng hơn nữa hoạt động sản xuất và việc làm trong ngành này".
"Cuộc chiến" gỗ xẻ giữa Canada và Mỹ kéo dài từ năm 1982. Hiệp định gỗ mềm Canada-Mỹ năm 2006 đã hết hạn vào tháng 10/2015.
Mỹ và Canada áp dụng các hệ thống khác nhau để tính phí chặt cây. Ở phần lớn các khu vực của Canada, người mua phải trả phí cho chính quyền các tỉnh để có quyền khai thác. Cốt lõi của khiếu nại của Mỹ đối với xuất khẩu gỗ xẻ của Canada là mức phí trên quá thấp, để sau đó gỗ được bán phá giá vào thị trường Mỹ.
Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế của Canada Mary Ng bày tỏ tin tưởng hai bên có thể thương lượng để tìm ra một giải pháp cho vấn đề thương mại lâu đời này, vì lợi ích tốt nhất của cả hai nước.