Buổi tọa đàm nhằm trao đổi các khái niệm, nội dung, công cụ, phương thức hoạt động của ngoại giao văn hóa làm cơ sở lý luận và pháp lý để tiếp tục triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, từng bước xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách tổng thể về ngoại giao văn hóa của Việt Nam cho các giai đoạn sau.
Tham dự buổi Tọa đàm có nguyên Phó Thủ tướng - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên; các chuyên gia về văn hóa đối ngoại, các đại biểu tham gia hoạt động ngoại giao văn hóa các ngành…
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xác định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Thực hiện chủ trương này, Bộ Ngoại giao đã chủ động đề xuất và đẩy mạnh hoạt động Ngoại giao văn hóa và từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 25 (năm 2006) đã đưa công tác này trở thành một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam.
Với tư cách là một trụ cột, ngoại giao văn hóa thời gian qua đã có những đóng góp thiết thực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hoạt động Ngoại giao văn hóa bước đầu gắn kết với ngoại giao chính trị, ngoại giao Kinh tế và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tăng cường hiểu biết, quan hệ giữa Việt Nam và các nước; giới thiệu về tiềm năng kinh tế, du lịch, điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư và thương mại; tích cực vận động các danh hiệu văn hóa thế giới…
Với tư cách là một trụ cột, ngoại giao văn hóa thời gian qua đã có những đóng góp thiết thực vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, hoạt động Ngoại giao văn hóa thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới, chưa tương xứng với yêu cầu cụ thể của từng đối tượng và địa bàn, còn dàn trải và hiệu quả chưa cao, nội dung hình thức còn trùng lặp.
Chưa kể công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, cùng lúc vừa có Chiến lược Ngoại giao văn hóa và có Chiến lược Văn hóa đối ngoại mà nội dung, nội hàm, hình thức triển khai còn chồng chéo.
Cùng với đó, bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng cùng với sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy ngoại giao văn hóa cần phải có bước chuyển mình nhanh chóng, mạnh mẽ để đáp ứng với các mục tiêu của đối ngoại là hòa bình, an ninh, chủ quyền, nâng cao vị thế đất nước nhằm thực hiện tinh thần chỉ đạo “ngoại giao tập trung mục tiêu phát triển” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao nhân dịp đầu Xuân 2018.
Đẩy mạnh quảng bá bằng nhiều hình thức
Cũng tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các hoạt động ngoại giao văn hóa thời gian qua, gợi mở những định hướng cũng như kiến nghị các giải để thúc đẩy hoạt động này phát triển, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Theo ông Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa nên được đổi mới và bổ sung. Đó có là sự nhấn mạnh việc quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao ý thức bản sắc dân tộc… “Những nội dung này nên được triển khai cụ thể hơn cho nhiệm vụ của công tác ngoại giao văn hóa trong thời gian tới”, ông Bình nói.
Thêm vào đó, ông Bình cũng cho rằng, truyền thông và văn hóa nên trở thành những ngành công nghiệp và đi theo tiến trình xã hội hóa để có thể bước vào cuộc cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc sử dụng các phong trào xã hội và mạng truyền thông xã hội trong việc nâng cao sức mạnh mềm quốc gia… là những nội dung mới cần được xem xét trong bối cảnh đề ra cho công tác ngoại giao văn hóa giai đoạn mới.
(Ảnh: Tuấn Anh) |
Chia sẻ thực tiễn công tác ngoại giao văn hóa tại một cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Trần Trọng Toàn nhấn mạnh, theo Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng ban hành, nêu rõ nhiệm vụ của cơ quan đại diện: “Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong việc nghiên cứu, chọn lọc những kinh nghiệm, bài học của các nước để tham mưu cho các cơ quan trong nước về chính sách ngoại giao văn hóa và việc tổ chức hoạt động văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài”.
“Hàng năm các cơ quan đại diện cần xây dựng kế hoạch cụ thể về nội dung và dự trù kinh phí để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa”.
Qua kinh nghiệm của Đại sứ, nhất là tại nhiệm kỳ của ông tại Hàn Quốc (2010 - 2013), Đại sứ Trần Trọng Toàn nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu cơ quan đại diện trong công tác ngoại giao văn hóa, phải coi đó là một trong bốn trọng tâm của cơ quan đại diện (cùng với chính trị, kinh tế và công tác người Việt).
(Ảnh: Tuấn Anh) |
Cùng với đó là việc phối hợp công tác với các đơn vị trong nước, trong đó có các đơn vị của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các địa phương với các bộ/ngành liên quan phía bạn.
Cũng tại buổi Tọa đàm, Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên; nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, bà Nguyễn Thị Hồi… cũng chia sẻ các kinh nghiệm hoạt động ngoại giao văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các thế hệ lãnh đạo ngoại giao đi trước.
Các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi về kinh nghiệm hoạt động quảng bá văn hóa ra nước ngoài của Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc… việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động ngoại giao văn hóa, từ đó rút ra những bài học cần thiết cho hoạt động ngoại giao văn hóa hiện nay của nước ta.
Thay đổi từ… nhận thức
Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, công tác ngoại giao văn hóa cần có bước chuyển cả về nhận thức và hoạt động. Công tác ngoại giao văn hóa phải nằm trong tổng thể chung của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoại giao văn hóa cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, trong đó văn hóa cần phục vụ kịp thời, hiệu quả và đồng hành, bổ sung cho chính trị, kinh tế và cũng cần chú ý nội hàm ngoại giao văn hóa trong tiếp xúc và hoạt động đối ngoại các cấp, ngành và các địa phương.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ trưởng cho rằng bối cảnh tình hình đặt ra nhiều yêu cầu mới, việc yêu cầu gìn giữ hòa bình là rất lớn, nên làm thế nào để hoạt động ngoại giao, trong đó có ngoại giao văn hóa đạt hiệu quả cao là vấn đề cần được giải quyết. Theo đó, bản lĩnh Việt Nam, ý chí Việt Nam là công cụ quan trọng ứng dụng trong các hoạt động ngoại giao văn hóa thời gian tới.
Qua ý kiến đại biểu, vấn đề lớn nhất là nhận thức về vị trí, vai trò của ngoại giao văn hóa. Thứ trưởng đề nghị thời gian tới, các đơn vị trong Bộ, nhất là các cơ quan làm công tác ngoại giao văn hóa có trách nhiệm phối hợp với các bộ/ngành để làm tốt hơn hoạt động ngoại giao thời gian tới.
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, công tác ngoại giao văn hóa cần tiếp tục đổi mới triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và tiết kiệm theo hướng đóng góp trực tiếp vào việc tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, góp phần làm sâu sắc quan hệ và phục vụ trực tiếp các mục tiêu hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển.
Thứ trưởng đề nghị Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu, từng bước xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, biện pháp hình thành một chính sách tổng thể về ngoại giao văn hóa của Việt Nam cho các giai đoạn về sau.