TIN LIÊN QUAN | |
"Siêu thương hiệu" của Tây Ban Nha | |
Việt Nam - Đan Mạch: Phát triển tự nhiên dựa trên giá trị chung |
Xin Đại sứ cho biết, công tác Ngoại giao văn hóa và UNESCO kể từ HNNG 28 đến nay có những nét mới nào?
Trước hết, cần đánh giá về tình hình thế giới và trong nước. Kể từ sau Hội nghị Ngoại giao (HNNG) lần thứ 28 năm 2013, tình hình thế giới trên lĩnh vực văn hóa tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều di sản thế giới tại các khu vực có chiến tranh, xung đột, bị tàn phá nghiêm trọng. Sự thiếu hiểu biết về văn hóa gia tăng dẫn đến nhiều xung đột. Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự đến năm 2030 vì phát triển bền vững, trong đó lần đầu tiên coi văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển bền vững.
Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai công tác Ngoại giao văn hóa (NGVH). Tuy nhiên, kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, môi trường an ninh còn phức tạp, nguồn lực hạn chế cộng với việc cắt giảm ngân sách khiến công tác NGVH gặp khó khăn và không còn được ưu tiên như trước đây.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski và đoàn Đại sứ tại Việt Nam trong chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, tháng 5/2016. (Ảnh: Thuận Thắng). |
Điểm mới đầu tiên trong công tác NGVH là việc rút ngắn khoảng cách giữa nhận thức và hành động. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020”, NGVH được quán triệt và thực hiện ở tất cả các bộ, ngành, địa phương trong cả nước với hình thức đa dạng, phong phú hơn và với thái độ chủ động hơn.
Điểm mới thứ hai là NGVH gắn chặt chẽ với Ngoại giao Chính trị (NGCT), Ngoại giao Phục vụ phát triển và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp.
Trước xu hướng chính trị hóa và kinh tế hóa của tình hình thế giới, các quốc gia ngày càng tranh thủ các diễn đàn đa phương, kể cả diễn đàn về văn hóa, để lồng ghép các nội dung chính trị nhằm phục vụ lợi ích quốc gia. NGVH đã hỗ trợ NGCT trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đấu tranh về dân chủ, nhân quyền.
Một trong những nội dung quan trọng của công tác NGVH là việc triển khai thực hiện Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài”. Trong hai năm gần đây, các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài triển khai Đề án này một cách tích cực và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đề án đã góp phần làm sâu sắc hơn tình hữu nghị, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Sau 5 năm thực hiện, Đề án đã được nâng lên một tầm lý luận mới với nhiều nội dung sâu sắc hơn và định hướng hoạt động rộng hơn trong thời gian tới.
Thứ ba, Ngoại giao Văn hóa đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Kể từ năm 2013, Bộ Ngoại giao tích cực phối hợp với bộ, ngành, địa phương trong việc quảng bá văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội… của các địa phương trên cả nước, qua đó từng bước xây dựng “thương hiệu” cho các địa phương (ví dụ như việc quảng bá Sơn Đoòng qua chuyến thám hiểm của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và 7 Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam). Nét nổi bật trong công tác NGVH này chính là sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và tư nhân.
Kể từ HNNG 28, chúng ta đã tích cực xây dựng hồ sơ và bảo vệ để UNESCO công nhận một số loại hình danh hiệu văn hóa thế giới như Hồ sơ “Quần thể danh thắng Tràng An” là Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, “Đờn ca tài tử Nam Bộ”, “Dân ca ví, giặm” là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại, “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Liangbiang”, “Mộc bản trường học Phúc Giang” và “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng đã vận động để UNESCO thông qua Nghị quyết thành lập 2 Trung tâm dạng II đầu tiên của Việt Nam về Toán học và Vật lý, dưới sự bảo trợ của UNESCO. Các loại hình danh hiệu trên đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, thu hút du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội một cách bền vững ở địa phương.
Đại sứ Phạm Sanh Châu và các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 7 - Đại hội đồng Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP), diễn ra từ ngày 18-21/5/2016 tại thành phố Huế. |
Thứ tư, NGVH góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Việc tích cực, chủ động phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương về văn hóa như UNESCO, ASEAN, ASEM, FEALAC,… đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới. Tại UNESCO, Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng Chấp hành và Ủy ban Di sản thế giới, hai cơ quan quan trọng nhất của Tổ chức này. Chúng ta đã đóng góp nhiều ý tưởng, sáng kiến trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO và cùng với các quốc gia khác đánh giá việc bảo tồn các di sản trên thế giới cũng như xem xét công nhận hồ sơ di sản của một số quốc gia. Bạn bè quốc tế ngày càng đánh giá cao vai trò, ý kiến và đặc biệt là kinh nghiệm quý báu của Việt Nam đúc kết được sau 30 năm Đổi mới đất nước trên các lĩnh vực thuộc UNESCO.
Vậy những thách thức đối với công tác NGVH hiện nay là gì, thưa Đại sứ?
Có thể xác định ba thách thức lớn nhất đối với công tác NGVH trong thời kỳ hội nhập như sau: Thứ nhất, một trong những nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra là tụt hậu kinh tế. Đi cùng với đó là nguy cơ tụt hậu về văn hóa và đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tính đa dạng của văn hóa được làm phong phú thêm do trao đổi, du nhập, nhưng tính thống nhất và nguyên bản của văn hóa cũng có nguy cơ bị phá vỡ.
Thứ hai, xu hướng chính trị hóa trên lĩnh vực văn hóa gia tăng làm cho các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa giảm dần tính văn hóa thuần túy.
Thứ ba, nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động NGVH bị cắt giảm và nhân lực hạn chế do chính sách cắt giảm biên chế.
Thưa Đại sứ, chúng ta sẽ giải quyết những khó khăn đó như thế nào?
Trong thời gian tới, cần chú trọng vào các giải pháp theo tinh thần sáng tạo, tự chủ, hiệu quả, thiết thực, cụ thể như sau:
Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác NGVH nhằm tạo sức mạnh tổng hợp cho Ngoại giao Việt Nam, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, cần tiếp tục nghiên cứu chiều hướng phát triển của công tác NGVH trên thế giới và cách thức sử dụng công cụ này của các quốc gia để có đối sách phù hợp.
Ba là, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả khu vực ngoài nhà nước, ở trung ương và địa phương trong các hoạt động NGVH trên cơ sở thống nhất về nhận thức, rõ ràng trong cơ chế hành động.
Bốn là, đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ cho công tác NGVH, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội; tận dụng các cơ chế và nguồn lực sẵn có của chính quyền các nước đối tác trong việc triển khai hoạt động NGVH ở nước ngoài. Đồng thời cần nâng cao chất lượng, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác NGVH.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Ngoại giao văn hóa 2015: Lan tỏa mạnh mẽ “Công tác ngoại giao văn hóa trong năm 2015 được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, đa dạng, chủ động và tạo được một bước ... |
Ngoại giao để phát huy "tài nguyên" văn hóa Ngoại giao văn hóa cần và phải là một trong những hoạt động trọng tâm của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, góp phần ... |
Ngoại giao văn hóa: Đa dạng nhưng có trọng điểm Năm 2014, nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa có bước tiến đáng kể tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh các hoạt ... |