Chuyến thăm của Tổng thống Pháp có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ hai nước, thưa ông?
Đây là chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng vì ông Hollande là Tổng thống thứ ba của Pháp đến thăm Việt Nam. Chuyến đi diễn ra sau 12 năm kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Jacques Chirac năm 2004.
Tháp tùng Tổng thống có các Bộ trưởng, đoàn doanh nghiệp gồm các tập đoàn lớn đã đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Có gần 20 văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai nước trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ hợp tác tư pháp đến giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, nông nghiệp, thương mại, và rất nhiều văn bản khác cũng được ký kết trong dịp này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thống Pháp Francois Hollande. |
Trong đoàn còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia người Pháp, nhà sử học, nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam học…và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.
Vì vậy, chuyến thăm sẽ tạo ra bước phát triển mới, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước và giữa Việt Nam với Cộng đồng Pháp ngữ Francophonie.
Điểm nổi bật trong quan hệ Việt - Pháp là hợp tác phi tập trung giữa các địa phương. Ý kiến của Đại sứ về điều này?
Hợp tác phi tập trung là hợp tác rất đặc thù, riêng có trong quan hệ Việt – Pháp, đã trải qua quá trình tồn tại và phát triển hơn 20 năm. Có thể nói, nét đặc thù này trong quan hệ song phương cần được quan tâm thúc đẩy vì những hiệu quả mà nó mang lại.
Các địa phương của Pháp và của Việt Nam đã tự tìm đến nhau, tự xác định lĩnh vực và mở rộng hợp tác. Hiện nay, có khoảng 30 địa phương của Pháp tham gia hợp tác phi tập trung này và số địa phương của Việt Nam cũng tương đương như vậy.
Ngày 14-16/9 tới, tại Cần Thơ sẽ diễn ra Hội nghị hợp tác các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 10 với sự tham dự của khoảng 700-800 đại biểu. Điểm mới của Hội nghị lần này là không chỉ có các địa phương mà còn có sự tham gia của các hội hữu nghị đoàn kết có các dự án hỗ trợ nhân đạo của Pháp tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam rất coi trọng Hội nghị này, sẽ có lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương của Việt Nam tham dự. Tôi cũng vừa vào thăm UBND tỉnh Cần Thơ và được biết công tác chuẩn bị hiện nay cơ bản đã xong.
Đại sứ quán đã phối hợp tích cực với các địa phương của Pháp và địa phương của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị Hội nghị.
Hợp tác song phương đã tận dụng được hết tiềm năng hai bên?
Đã hơn 40 năm từ ngày Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao (kể từ 1973), Pháp luôn là đối tác châu Âu quan trọng nhất của Việt Nam. Đỉnh cao là hai nước đã ký Quan hệ Đối tác chiến lược tháng 9/2013. Năm 2015, đầu tư trực tiếp của Pháp vào Việt Nam khoảng trên 4 tỷ Euro, thương mại hai chiều cũng khoảng 4 tỷ Euro. Trên 300 doanh nghiệp Pháp đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Pháp là nhà tài trợ quan trọng về ODA của châu Âu ở Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn trả lời phỏng vấn về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande. (Nguồn: TTXVN) |
Tuy nhiên, Việt Nam và Pháp đều nhận thấy dù quan hệ hai nước đã phát triển trên nhiều lĩnh vực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Sự có mặt của kinh tế Pháp trong thị trường Việt Nam chỉ mới chiếm 1%. Con số 4 tỷ Euro trong đầu tư, thương mại còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của Pháp cũng như của Việt Nam.
Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết, và vai trò ngày càng lớn hơn của Việt Nam trong ASEAN làm cho tương lai quan hệ hai nước, đặc biệt về kinh tế, được mở rộng.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Pháp cũng như các chuyến thăm, trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao trong tương lai sẽ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Cụ thể hai nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào trong thời gian tới, thưa ông?
Theo tôi, Việt Nam và Pháp có rất nhiều quan hệ hợp tác nhưng hướng ưu tiên cần tập trung vào những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Đó là các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng; năng lượng; giáo dục đào tạo; nông nghiệp, chế biến nông sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, là thế mạnh của Pháp; văn hóa du lịch; bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; công nghệ cao (xây dựng các thành phố thông minh, bền vững...).
Trong đó, xây dựng các thành phố thông minh là hướng hợp tác mới. Hiện nay, nước Pháp đã khá phát triển trong việc xây dựng các thành phố thông minh, phát triển bền vững. Các thành phố này có quy hoạch rất tổng thể về giao thông, đô thị, xử lý nước thải, tiết kiệm năng lượng,... để người dân sống tại đó được thụ hưởng một cách thuận lợi nhất như chất lượng không khí không bị ô nhiễm, giao thông không bị ùn tắc, xử lý các vấn đề về rác thải, năng lượng một cách vừa sạch vừa tiết kiệm… Vivapolis là một cơ quan thuộc Chính phủ Pháp, phụ trách quản lý vấn đề này.
Hiện nay, các địa phương Việt Nam cũng rất quan tâm học hỏi áp dụng các mô hình trên. Trong bối cảnh vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng sạch đang được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, đây là một hướng đi có nhiều triển vọng. Dù mới ở giai đoạn bắt đầu, trong Hội nghị hợp tác phi tập trung lần thứ 10 tới, chủ đề này sẽ được các địa phương hai nước thảo luận.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng xác định đây là phương hướng cần phải triển khai, nỗ lực tìm đối tác của Pháp giới thiệu cho các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Đánh giá của ông về triển vọng quan hệ hai nước sau chuyến thăm?
Tôi rất lạc quan về tương lai quan hệ Việt Nam - Pháp, đặc biệt sau chuyến thăm này của Tổng thống Francois Hollande đến Việt Nam vì nhiều lý do:
Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, ký kết hầu hết các hiệp định cần thiết (khuyến khích bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế trùng, hợp tác khung,…) làm nền tảng cho hợp tác song phương có đầy đủ cơ sở pháp lý để phát triển lớn mạnh. Trong đó, Hiệp định EVFTA là một cơ sở vững chắc.
Pháp và Việt Nam có lịch sử quan hệ gắn bó từ lâu đời. Hai nước hiểu nhau, có nhiều điểm tương đồng. Chúng ta có cộng đồng người Việt Nam tại Pháp với hơn 300.000 người, là cầu nối quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để hai nước phát triển quan hệ. Trong đó, có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Pháp, là vốn quý của quan hệ hai nước. Việt kiều ở Pháp luôn được chính quyền sở tại và người dân Pháp đánh giá cao vì hoà nhập tốt với xã hội Pháp và là một cộng đồng thành công, có nhiều trí thức, nhà khoa học nổi tiếng đóng góp vào sự phát triển ở sở tại.
Thêm vào đó, gần đây, Pháp đã có những biểu hiện bày tỏ sự quan tâm hơn của mình đối với khu vực Đông Nam Á. Tôi mong rằng Pháp và EU sẽ đóng vai trò tích cực hơn về vấn đề Biển Đông là yếu tố thuận lợi cho quan hệ hai nước.
Cuối cùng, Việt Nam là thành viên quan trọng nhất của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tại Đông Nam Á cũng là yếu tố thúc đẩy quan hệ hai nước thêm gắn bó và phát triển.
Xin cảm ơn ông.
“Thời gian qua Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Pháp đã thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác Việt - Pháp theo hai hướng: Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại thị trường Pháp. ĐSQ đã tổ chức một số hội thảo, tổ chức Tuần hàng Việt Nam để giới thiệu hàng hóa của Việt Nam, tập trung giới thiệu hai mặt hàng chủ lực là gạo và hoa quả (chủ yếu là xoài và vải thiều). Hiện có 3 doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại Pháp là Vietnam Airlines, Viettel và FPT. ĐSQ cũng gặp gỡ doanh nghiệp của Pháp để quảng bá, khuyến khích họ đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, nhất là các dự án lớn. Sắp tới, ĐSQ phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam và một cơ quan tư vấn của Pháp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp vào 27-28/10 tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của 80 - 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp. Thứ hai, ĐSQ đã tiến hành các hoạt động quảng bá giới thiệu hình ảnh về Việt Nam, mở rộng du lịch của Pháp sang Việt Nam. Tháng 9 này sẽ có một loạt sự kiện như roadshow, đêm văn hoá ẩm thực, giới thiệu các địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Việt Nam... ĐSQ đang phấn đấu đưa lượng du khách Pháp sang Việt Nam tăng lên 5-600.000 lượt/năm trong 5 năm tới”. Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn |