Ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2023).
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Du lịch văn hóa đã được UNESCO định nghĩa là một loại hình du lịch, trong đó mục đích cơ bản của du khách là tìm hiểu khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể tại các điểm đến du lịch.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), thời điểm trước dịch Covid-19 du lịch văn hóa đã đóng góp 37% trong du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm.
Diễn đàn Phát triển du lịch văn hóa thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu. (Ảnh: Lê An) |
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch sớm đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước. Vì vậy theo ông Khánh, việc phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên vô cùng cấp thiết.
TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng khẳng định, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa với nguồn tài nguyên phong phú, đặc sắc khi Việt Nam có tới 5 di sản văn hoá vật thể, 1 di sản hỗn hợp, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh...
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển du lịch văn hóa của Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam vẫn còn ít sáng tạo, trùng lặp, chất lượng hạn chế, thiếu các sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước; thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu đồng bộ, đặc biệt những nơi có tài nguyên du lịch ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa vì vậy chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên du lịch văn hóa có giá trị của Việt Nam vẫn chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng, nhiều điểm tài nguyên văn hóa có giá trị chưa được đầu tư khai thác thành các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, nhiều chính sách, dự án, phong trào xây dựng, khai thác các nguồn lực văn hoá cho phát triển du lịch còn kém hiệu quả.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng nêu thông tin, du lịch trước đây được coi là một hoạt động liên quan đến giải trí và tách biệt với cuộc sống hàng ngày và văn hóa của người dân địa phương.
Đến năm 1980 trở đi, quan hệ văn hóa - du lịch đã thay đổi nhanh chóng, vai trò của tài nguyên văn hóa trong việc thu hút khách du lịch và tạo ra sự khác biệt giữa các điểm đến đã rõ ràng hơn và tài nguyên văn hóa đã được xem là nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương.
Do vậy, sự liên kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng sâu sắc, xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi phải thúc đẩy sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bản sắc và sự khác biệt của văn hóa của mỗi quốc gia.
Ông Bình nhấn mạnh: "Vài trò của du lịch văn hóa ngày một quan trọng hơn, vì du lịch văn hóa đã tăng thêm việc làm ở các vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch".
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, với du lịch, văn hóa đóng vai trò là một tiềm năng mạnh, trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam cần khai thác du lịch một cách hiệu quả dựa trên những gì đang có.
Du lịch văn hóa cũng là chủ đề chính của VITM Hà Nội 2023. (Ảnh: Xuân Thủy) |
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa để thu hút khách, làm nổi bật các giá trị văn hóa Việt Nam như tour du lịch Theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông; trải nghiệm văn hóa làng nghề, miệt vườn ở Lục Ngạn (Bắc Giang); thử làm người quan họ ở Thổ Hà (Bắc Giang)...
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng giới thiệu mô hình du lịch văn hóa thông qua các tư liệu và hiện vật của Bảo tàng như tour Bác Cổ mùa hoa gạo, Thanh âm Đồng Cổ...
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong số khách du lịch văn hóa nói chung, khách đến tham quan các viện bảo tàng chiếm khoảng 59%; thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56% - cao hơn nhiều đi dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Ở Việt Nam đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam... Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh "Ký ức Hội An", "Áo dài", "Tinh hoa Bắc Bộ", "Múa rối nước", "À Ố Show". Thời gian qua, du lịch Việt Nam cũng liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Trong 3 năm liên tiếp, từ 2018-2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á", "Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á", "Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á" và "Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á" và là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" trong năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn. |
| Diễn đàn Du lịch ASEAN: Hành trình tới những điểm đến tuyệt vời Từ ngày 2-5/2, đoàn Việt Nam sẽ tham dự Diễn đàn Du lịch ASEAN 2023 và Hội chợ TRAVEX tại thành phố Yogyakarta, Indonesia. |
| Du lịch Việt Nam thu hút sự quan tâm tại Hội chợ Du lịch Địa Trung Hải lần thứ 26 Gian hàng du lịch Việt Nam, do Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli, đồng phối ... |
| Du lịch văn hóa sẽ là điểm nhấn của Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2023 Khoảng 15 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 với ... |
| Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam thu hút 15 quốc gia và vùng lãnh thổ Sáng 13/4, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 đã khai mạc thu hút sự tham gia trực tiếp ... |
| VITM Hà Nội 2023: Sôi nổi hoạt động kết nối và xúc tiến du lịch của các địa phương Trong ngày khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023, nhiều hoạt động kết nối và xúc tiến ... |