Từ "Tình đơn phương" đến "Tình ba chấm"
Dạo này, các ca sĩ trẻ đua nhau tung ra thị trường những bài hát có chữ "tình". Hết "Tình đơn phương" đến "Tình quay gót", "Tình phai", "Tình yêu mắt nai", lại "Tình ba chấm", "Tình khúc vàng" rồi "Tình ca hồng", "Tình một đêm"...
Đặc biệt, bạn sẽ không khỏi giật mình khi nghe các ca khúc này bởi từ ngữ thể hiện các cung bậc cảm xúc của nó quá nghèo nàn, đơn điệu, lặp lại, bắt chước của nhau đến phát nhàm.
Hễ yêu là phải thất tình, mà đã thất tình là phải "đau đớn", "rã rời", "buông lơi", "buồn"..., nghe nhiều thành sáo rỗng, nhạt nhẽo. Không những thế, trong bài hát còn đệm một số chữ rất vô nghĩa và "chối tai" như "nà nà nà ná na nà na", "ồ lêu", "ô la, ô la ế"...
Hoặc vài ba câu tiếng Việt lại đệm một câu tiếng Anh, tiếng Trung cũng khá phổ biến giống như kiểu "Nếu thích em rồi anh hãy nói ủa ái nỉ". "và em không yêu anh nữa đâu am sò ry (I'm Sory - em xin lỗi)"... nghe cứ như lạc vào một thế giới nào khác chứ không phải là người Việt hát cho người Việt nghe nữa.
Toàn yêu đương và thất tình
Tuy không thể đánh đồng tất cả, nhưng nhìn lại thì quả thật nhạc trẻ mấy năm trở lại đây phát triển một cách ồ ạt, chất ít "chịu" đi đôi với lượng. Có một thực tế đáng buồn là hiện nay không phải bài hát nào cũng được đông đảo người nghe thích nhưng sao vẫn bán chạy? Nhất là trong giới học sinh, sinh viên - tầng lớp được xem là có kiến thức và biết thưởng thức trong xã hội, là chủ nhân tương lai của đất nước, rất nhanh nhạy với những bài hát mới, và chính họ đẩy nó lên thành những cơn sốt.
Cứ thử đi qua một vài khu kí túc xá sinh viên, người không khó tính cũng phải giật mình bởi cách thưởng thức âm nhạc của giới trẻ. Có một dạo, phòng nào cũng chỉ mở đài to hết cỡ với điệp khúc đay đi đay lại: "Thà như thế, thà rằng như thế...", "Đàn ông là thế, nay em tin đàn ông chỉ biết tham lam thôi. Và em sẽ không yêu ai một giờ em biết thế là đàn ông"... nghe não cả ruột.
Chả lẽ, lớp trẻ không còn việc gì khác ngoài yêu đương và thất tình? Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn chuyền tay nhau những bản nhạc ấy và hát ở bất kỳ lúc nào.
Bởi vậy, sống lâu trong ký túc xá, bạn nếu không thích cũng sẽ phải thuộc những bài hát có ca từ quẩn quanh, nhiều lúc vô nghĩa như: "Đêm qua tôi nằm mơ thấy em, trong giấc mơ em là của ai, đêm qua em nằm mơ thấy tôi nhưng giấc mơ không phải là tôi... Em là ai mà cứ mãi yêu tôi, tôi là ai mà cứ mãi yêu em"..., "Đừng trách tôi tại sao tôi lại trở nên như thế, tôi không thật lòng nhưng cũng không dối lừa ai", rồi thì: "Ở bên người ấy xin đừng nhớ đến tôi, ở bên cạnh tôi xin đừng làm khổ tôi, người ấy và chính tôi trong cuộc tình chúng ta tôi em phải chọn ra một người thôi ớ ớ ớ"... nghe cứ như đang nói nhảm ấy.
Lên tiếng báo động về tình trạng này kể ra đã là muộn, bởi những bài hát như trên đã tồn tại khá lâu và sẽ tiếp tục có những bài hát như thế ra đời bởi, lớp trẻ phần đông là học sinh, sinh viên vẫn đang hàng ngày hàng giờ hưởng ứng những bài hát như thế.
"Hãy cho tôi biết bạn thích dòng nhạc gì, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào/ văn hoá của nước bạn phát triển đến đâu", câu hỏi ấy nếu để một người nước ngoài nói về lớp trẻ Việt Nam, chắc hẳn sẽ là một nỗi buồn không của riêng ai.Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô