Nghiên cứu tập trung vào nhóm phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm. (Nguồn: Women’s News Agency) |
Để kiểm tra mối quan hệ giữa thực trạng làm nhiều công việc cùng lúc và những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tâm thần, các nhà nghiên cứu ở Đại học Michigan (Mỹ) đã tập hợp và đánh giá dữ liệu của gần 3.000 phụ nữ tham gia nghiên cứu mang tên "Gia đình nhạy cảm và sự phát triển của trẻ nhỏ".
Nghiên cứu tập trung vào nhóm bà mẹ có thu nhập thấp, từ hơn 20 vùng đô thị tại Mỹ và thu thập dữ liệu về đặc thù công việc cũng như các dấu hiệu trầm cảm của nhóm phụ nữ này. Trong nghiên cứu, các bà mẹ được hỏi liệu đã từng rơi vào tình trạng trầm cảm hay chưa.
Những người từng cảm thấy trầm cảm hoặc không thấy hứng thú với những điều vốn rất dễ chịu, sau đó sẽ tiếp tục tham gia trả lời nhiều câu hỏi khác về những biểu hiện cụ thể mà họ đã trải qua.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra mối liên quan rõ nét nhất ở nhóm các bà mẹ làm hơn một công việc và có lịch làm việc bất thường, như làm tối thiểu 45 giờ/tuần hoặc có thu nhập thấp. Cụ thể, làm nhiều công việc cùng lúc khiến khả năng bị trầm cảm trong nhóm các bà mẹ có thu nhập thấp tăng từ 3-4 điểm %.
Theo nhóm nghiên cứu, có hai nguyên nhân chính khiến các bà mẹ phải làm 2 công việc cùng lúc. Thứ nhất là "cơ hội" để thay đổi nghề nghiệp và nguyên nhân thứ 2 và cũng phổ biến hơn là vì áp lực kinh tế.
Nhóm tác giả cũng cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn để đánh giá tác động của các yếu tố khác như các chính sách lương tối thiểu, các biện pháp bảo vệ người lao động, hỗ trợ chăm sóc trẻ hoặc hỗ trợ cộng đồng, đối với những người làm nhiều việc cùng lúc và sau đó là tác động tới sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu mới đây chỉ ra năm 2018, khoảng 16% bà mẹ có con nhỏ tại Mỹ làm nhiều công việc cùng lúc và hơn 16 triệu người mắc chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng trong cùng năm này.