Tuyên bố được thông qua tại một hội nghị ở Paris, được tổ chức một ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh "Một Hành tinh" do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì.
Tại hội nghị ngày 11/12, lãnh đạo các cơ quan vũ trụ quốc tế đã thảo luận về việc giám sát khí hậu từ không gian, cụ thể như vấn đề khí nhà kính, quản lý nguồn nước và việc sử dụng vệ tinh để giám sát các thảm họa thiên nhiên.
Tuyên bố nhấn mạnh các vệ tinh không gian là những công cụ quan trọng để nghiên cứu, thu thập những thông tin chi tiết hơn liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng và hỗ trợ việc ban hành chiến lược ứng phó, bởi có tới trên một nửa trong số 50 biến động khí hậu lớn chỉ có thể đo lường, xác định từ vũ trụ.
Vệ tinh không gian là công cụ quan trọng để nghiên cứu chi tiết liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu. (Nguồn: Thinkstock) |
Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Pháp (CNES) Jean-Yves Le Gall cho biết, trạm quan sát khí hậu sẽ là trung tâm kết nối giữa các cơ quan vũ trụ quốc tế và cộng đồng các nhà khoa học thế giới. Theo ông, hiện nay hầu hết các quốc gia không chia sẻ các thông tin khí hậu thu thập được từ vệ tinh.
Các quốc gia nhất trí tham gia Tuyên bố Paris do Pháp đề xuất gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Đức, Italy, Thụy Sỹ, Áo, Thụy Điển, Na Uy, Romania, Israel, Ukraine và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, các đại diện của Cơ quan vũ trụ Nga và Cục Quản lý Đại dương và Khí quyền quốc gia Mỹ (NOAA) không tham gia hội nghị này.
Hội nghị thượng đỉnh "Một Hành tinh" được tổ chức tại Paris hai năm sau khi 195 quốc gia đạt được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và sáu tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận lịch sử này.