Hội nghị do Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) đồng chủ trì với mục đích tăng cường quan hệ hợp tác trong khu vực và thúc đẩy nỗ lực phòng, chống hoạt động đưa người di cư trái phép tại châu Á.
Tham dự hội nghị có cán bộ thực thi luật pháp từ Australia, Thái Lan, Sri Lanka, Afghanistan, Bangladesh, Pakistan, Myanmar, Indonesia và Malaysia.
Quang cảnh Hội nghị JMG 4. (Nguồn: Báo Công an TP. Hồ Chí Minh) |
Hội nghị tập trung vào những mối liên kết giữa tội phạm có tổ chức với hoạt động đưa người di cư trái phép và những hệ quả của hoạt động di cư trên toàn cầu. Các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi luật pháp các nước xuất cảnh và nước trung chuyển, để có thể tiến hành ngăn chặn các hoạt động tội phạm trên biển.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Phạm Dũng - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: “Các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm đưa người di cư trái phép đã hình thành và khai thác các đường dây đưa người di cư trái phép qua biên giới với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó đoán. Điều đó tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức nghiêm trọng đối với ổn định, an ninh trật tự, đời sống xã hội, kinh tế. Vì thế, vấn nạn này đòi hỏi cơ quan thực thi pháp luật các nước phải hợp tác, phối hợp chặt chẽ, chung tay giải quyết, ngăn chặn”.
Đại diện Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP. Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị, Tổng Lãnh sự Karen Lanyon tái khẳng định tầm quan trọng của việc đấu tranh phòng chống đưa người di cư trái phép - những người dễ bị tổn thương nhất. Gánh chịu những tác động về kinh tế, xã hội là những người bị lợi dụng cũng như những nước xuất cảnh, trung chuyển và nhập cảnh.
Thiếu tướng Lesa Gale - Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm về ngăn chặn và triệt phá tội phạm, Đơn vị Bảo vệ chủ quyền bên giới của Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc ủng hộ xây dựng một phương pháp tiếp cận mang tính khu vực trong công tác đấu tranh chống đưa người di cư trái phép.
“Diễn đàn đa phương về tội phạm này chính là một ví dụ tuyệt vời cho sự phối hợp thực thi luật pháp, tăng cường hợp tác khu vực để đấu tranh ngăn chặn một cách toàn diện đối với hoạt động tội phạm trên biển ở châu Á. Chúng tôi muốn bày tỏ sự đánh giá rất cao dành cho Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công an, vì đã đồng chủ trì sự kiện đặc biệt quan trọng này” - Thiếu tướng Gale cho biết.
Bên cạnh tham luận của mỗi quốc gia trình bày khái quát về những nỗ lực hiện tại của mình còn có các bài thuyết trình của Interpol, Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của LHQ (UNODC) và Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM).
Nhóm Quản lý thực thi pháp luật (JMG) được thành lập vào năm 2014 như một diễn đàn hợp tác thực thi luật pháp trong khu vực với nỗ lực phòng ngừa việc đàn ông, phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương bị những kẻ đưa người di cư trái phép bóc lột. Hội nghị này cũng hỗ trợ cho chiến dịch vận động truyền thông chiến lược về chống đưa người di cư trái phép của Chính phủ Australia nhằm đấu tranh với những tin đồn và thông tin sai lệch do các đối tượng đưa người di cư trái phép thực hiện. |