📞

Các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Trịnh Hạnh 17:02 | 06/10/2022
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng quyết tâm của chính quyền, Thừa Thiên Huế đang sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới từ những nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đến các Khu kinh tế (KKT), Khu công nghiệp (KCN) của tỉnh, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của địa phương.
Một góc Thừa Thiên Huế. (Nguồn: TTXVN)

Sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ, Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông Bắc - Nam của quốc gia, kết nối với hệ thống cảng nước sâu Chân Mây, sân bay quốc tế Phú Bài; là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế, thương mại, du lịch (EWEC) Đông-Tây nối Myanmar, Thái Lan, Lào với Biển Đông.

Khơi thông dòng chảy đầu tư

Hiện nay, địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có quy hoạch phát triển hai KKT với diện tích khoảng 37.292 ha gồm KKT Chân Mây-Lăng Cô (khoảng 27.108 ha) và KKT cửa khẩu A Đớt (khoảng 10.184 ha); sáu KCN gồm KCN Phú Bài, La Sơn, Phong Điền, Tứ Hạ, Phú Đa và Quảng Vinh với tổng diện tích khoảng 2.393,47 ha.

Công tác kêu gọi, thu hút đầu tư được Ban quản lý KKT, CN quan tâm, chú trọng. Trong giai đoạn này, tỉnh ưu tiên tập trung kêu gọi đầu từ các lĩnh vực công nghiệp, đầu tư cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp và các dự án du lịch có quy mô lớn.

Thời gian qua, số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư tại KKT, KCN ngày càng tăng, chủ yếu là các đối tác đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore... Qua đó, đã tiếp xúc những nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính để đầu tư các dự án có quy mô lớn, tạo động lực để phát triển KKT, KCN.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, tám tháng đầu năm 2022, Ban quản lý KKT, CN tỉnh đã cấp 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 3.004 tỷ đồng đạt 50,5% kế hoạch năm 2022, giảm 7,2% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có ba dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn 1.382 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn KKT, KCN tỉnh có 170 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 117.405 tỷ đồng; trong đó, có 40 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký là 70.257 tỷ đồng.

Lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay ước đạt khoảng 34.731 tỷ đồng (đạt 29,5% tổng vốn đăng ký đầu tư); trong đó, có 93 dự án đang hoạt động (chiếm tỷ lệ 54,7%). Trong tám tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 980,5 tỷ đồng (ước đạt 16,3% kế hoạch năm 2022).

Trong đó phải kể đến một số dự án tiêu biểu như Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, Dự án Laguna Lăng Cô giai đoạn II, Dự án nhà máy của Kanglongda Huế, Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Motors của Công ty CP Kim Long Motors Huế, Dự án Khu đô thị tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Dự án nhà máy sản xuất men frit La Sơn, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex Phú Bài 3 và 4, Khu dịch vụ Logictis cảng Chân Mây, Dự án đầu tư nhà máy sản xuất kính CFG - Chân Mây, Dự án nhà máy may của Công ty Scavi tại KCN Quảng Vinh và các dự án đầu tư công và quy hoạch của Ban quản lý KKT, CN (Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, đường trục chính khu đô thị Chân Mây, đường phía Đông đầm Lập An, đường nối khu phi thuế quan với cảng Chân Mây)…

Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. (Nguồn: TTXVN)

Đồng hành, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư

Đánh giá về tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Đại Vui cho biết, những năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế đã vươn lên là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với nhiều dự án hàng tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đã tạo điều kiện thuận lợi, môi trường hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài khác vào tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các nhà đầu tư từ các nước tiềm năng như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp và một số nước mới phát triển ở Đông Á. Nhờ năng lực chống chọi, nền tảng vững chắc, các doanh nghiệp FDI đã xử lý tương đối tốt các tình huống và duy trì đầu tư vào Thừa Thiên Huế.

Trưởng Ban quản lý KKT, CN tỉnh, ông Lê Văn Tuệ cho biết, đơn vị sẽ tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, kêu gọi những nhà đầu tư thứ cấp nhằm tăng nguồn thu cho tỉnh thời gian đến. Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp; kêu gọi đầu tư cho các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, giáo dục đào tạo; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Những tháng cuối năm 2022, Ban quản lý KKT, CN tỉnh đặt mục tiêu thu hút thêm từ 2-3 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ logistic cảng biển, công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng, nông sản và một số dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.500 tỷ đồng (cả năm đạt kế hoạch năm 2022); Vốn đầu tư thực hiện của các dự án khoảng 1.000 tỷ đồng (chiếm 16,6% kế hoạch 2022, cả năm đạt 33,3% kế hoạch năm 2022); Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát và đề xuất xử lý thu hồi đối với các dự án của nhà đầu tư không có khả năng thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng có hiệu quả cao hơn, chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu lĩnh vực công nghiệp, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các dự án lớn về du lịch, đô thị, đầu tư và khai thác cảng biển.

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập, vướng mắc về vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời tạo sự gắn kết hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Điều này nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều góc nhìn về tiềm năng phát triển tại địa phương, qua đó cùng hợp tác tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển.

“Quan điểm xúc tiến đầu tư của tỉnh là đồng hành với nhà đầu tư để cùng cống hiến, xây dựng Thừa Thiên Huế. Tỉnh cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư khi đến Huế với niềm tin xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ.

Thừa Thiên Huế đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Tập đoàn Banyan tree (Singapore), Tập đoàn Bia Carlsberg (Đan Mạch), Công ty HBI (Hoa Kỳ), Công ty Scavi (Pháp), Công ty China Everbright International Limited (Trung Quốc), Tập đoàn Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Luks HongKong, Công ty CP (Thái Lan), Tập đoàn SBH (Tây Ban Nha)… với những dự án mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong nước và quốc tế.