Thủ đô Hà Nội chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. (Nguồn: Vietnamplus) |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 30/9 và ngày 1/10, ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.
Đêm 30/9 và ngày 1/10, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm); trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.
Về diễn biến triều cường ven biển Nam Bộ, mực nước quan trắc cao nhất ngày 30/9 tại trạm hải văn Vũng Tàu ghi nhận được là 4,03m. Theo ghi nhận số liệu sóng quan trắc (vệ tinh, ObsSHIP...) cho thấy tại vùng biển ngoài khơi Nam Bộ độ cao sóng phổ biến 0,5 - 1,5m. Số liệu quan trắc gió tại trạm Vũng Tàu ghi nhận gió nhẹ.
Từ chiều 30/9 đến chiều 1/10, mực nước triều cao nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,15m, gió Tây cấp 3-4, độ cao sóng trên vùng biển ven bờ Nam Bộ phổ biến 0,5-1,5m.
Từ chiều 1/10 đến chiều 2/10, mực nước triều cao nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,10-4,15m, gió Tây cấp 3-4, độ cao sóng trên vùng biển ven bờ Nam Bộ dao động 0,5-1,5m.
Do ảnh hưởng của triều cường, các tỉnh Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng tại các vùng trũng, thấp vùng biển, ven sông và vùng ngoài đê bao trong khoảng thời gian sáng sớm (2-4 giờ) và buổi chiều (14-16 giờ) và làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông ở khu vực Đông Nam Bộ.