📞

Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây có thể nhấn chìm đồng Ruble của Nga?

Hải An 19:45 | 01/03/2022
Mỹ, EU và đồng minh sử dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga, đồng Ruble ngay lập tức mất giá 30%. Tổng thống Putin đã chuẩn bị để đối phó các lệnh trừng phạt này như thế nào?
Nga quyết định tăng lãi suất từ ​​mức 9,5% lên 20% nhằm ổn định đồng Ruble đang lao dốc. (Nguồn: AP)

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã có những chuyển biến khi hai bên đồng ý ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm giải pháp. Nhưng các sàn giao dịch chứng khoán, ngân hàng và người tiêu dùng Nga thì mới chuẩn bị bước vào những khó khăn của mình.

Đêm 28/2, Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định tăng lãi suất từ ​​mức 9,5% lên 20% nhằm ổn định đồng Ruble đang lao dốc.

Đồng tiền của Nga, vốn đã liên tục giảm mạnh trong suốt ba thập niên qua, đã giảm thêm 30% vào ngày 28/2, làm tăng thêm áp lực lạm phát trong nước.

Sau khi chịu tổn thất nặng nề vào tuần trước, ngành tài chính Nga buộc phải lựa chọn tăng sốc lãi suất để đối phó với tình trạng lạm phát.

Đã có những lập luận rằng, vấn đề của nước Nga không phải vũ khí và chiến tranh, mà chính là nền kinh tế.

Cuối tuần trước, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang, Mỹ, Canada, Nhật Bản và các nước phương Tây đồng loạt áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow nhằm hạn chế khả năng kiểm soát nền kinh tế của nước này và nhắm vào một số ngân hàng cụ thể.

Nhưng giống như tất cả các lệnh trừng phạt, hiệu quả của chúng sẽ cần có thời gian để kiểm chứng và còn phụ thuộc vào việc Tổng tống Nga Vladimir Putin điều hành nền kinh tế như thế nào trong bối cảnh ấy.

Tất nhiên, không hề bị sốc, Tổng thống Putin đã chuẩn bị để đối phó các lệnh trừng phạt này từ nhiều năm qua.

Mục tiêu của các lệnh trừng phạt Nga

Có 4 biện pháp trừng phạt tài chính chính hiện đã được Mỹ, Liên minh châu ÂU (EU) và các đồng minh đưa ra nhằm vào Nga.

Thứ nhất, loại Nga khỏi SWIFT - hệ thống thanh toán toàn cầu. SWIFT có trụ sở tại Bỉ, kết nối hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính, là một hệ thống nhắn tin an toàn được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền xuyên biên giới, thay vì thanh toán trực tiếp.

Thứ hai, ngăn chặn Ngân hàng trung ương Nga sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của mình, phần lớn được gửi ở nước ngoài, để ổn định đồng Ruble.

Thứ ba, nhắm mục tiêu vào những người Nga giàu có, đặc biệt là giới tài phiệt, cản trở khả năng tiếp cận và chuyển dịch tài sản của họ.

Thứ tư, đóng băng tài sản ở nước ngoài của tầng lớp quyền lực chính trị, bao gồm cả Tổng thống Putin.

Trong 4 biện pháp trên, hai biện pháp đầu là quan trọng nhất.

Trong các trường hợp thông thường, việc loại các ngân hàng bị trừng phạt khỏi hệ thống SWIFT có khả năng tàn phá nền kinh tế Nga.

Điều này cùng với sự chậm chạp của ngân hàng trung ương có thể khiến nền kinh tế phải chịu đựng “những cơn đau dữ dội”, hoặc thậm chí sụp đổ hoàn toàn.

Sau nhiều thập niên toàn cầu hóa, Nga cũng bị cuốn vào nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù là nước xuất khẩu chính nguyên liệu thô như khoáng sản, năng lượng và thực phẩm, Nga cũng có nhu cầu lớn trong việc nhập khẩu các linh kiện công nghệ cao, ngay cả đối với một số vũ khí.

Việc đồng Ruble ngày càng mất giá có thể gây khó khăn cho một số công ty trong việc thu xếp thư tín dụng, điều quan trọng đối với hoạt động thương mại.

Nhiều ngân hàng và tập đoàn lớn của phương Tây đã ngừng giao dịch với đối tác Nga kể từ khi các lệnh trừng phạt mới nhất được công bố, vì cả lý do chính trị và tài chính.

Tổng thống Putin có thể làm gì?

Trong thời gian gần đây, ông Putin đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và rõ ràng, khi lường trước các sự kiện diễn ra trong tuần qua, ông đã kết nối hệ thống tài chính Nga với phiên bản của hệ thống thanh toán SWIFT của Trung Quốc.

Kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, Nga đã chuẩn bị các biện pháp phòng thủ trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Moscow không tiếp cận vốn nước ngoài, sử dụng các rào cản thương mại và thậm chí phát triển mạng Internet của riêng mình.

Nước này cũng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, duy trì lãi suất cao và thắt chặt chi tiêu, giúp tích lũy được 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Nhưng có thể không phải tất cả những sự chuẩn bị trên đã đi theo kế hoạch.

Với động thái đóng băng tài sản thuộc ngân hàng trung ương Nga, ít nhất một nửa dự trữ ngoại hối của nước này hiện không thể tiếp cận được.

Và trong khi hệ thống thanh toán của Trung Quốc sẽ cung cấp cho Nga một “cửa hậu” để chuyển tiền tài chính toàn cầu, đầu tiên, đồng Ruble sẽ phải được chuyển đổi sang Nhân dân tệ, sau đó sẽ cần phải trải qua quá trình để cuối cùng chuyển đổi sang USD.

Quá trình này có thể mất thời gian, không hiệu quả và làm giảm giá trị hơn nữa của đồng Ruble. Thêm vào đó, hệ thống của Trung Quốc hiện mới chỉ kết nối 1.200 tổ chức tài chính trên toàn thế giới.

Người dân Nga đã bắt đầu xếp hàng dài trước các cây ATM để rút tiền trong bối cảnh đồng Ruble đang mất giá.

Hai nhà tài phiệt lớn của Nga, Mikhail Fridman và Oleg Deripaska, cũng đã bày tỏ lo ngại về tình hình.

Hiện tại, Tổng thống Nga vẫn được hỗ trợ bởi giá năng lượng tăng cao và sự thắt chặt an ninh nội bộ.

Nhưng khả năng duy trì sự ủng hộ và vị thế của ông sẽ phụ thuộc vào việc liệu nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ có thể được đảm bảo và liệu ông có thể đảo ngược tình hình kinh tế đang suy thoái của đất nước hay không.

(theo ABC)