Xuất khẩu vàng đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD cho Nga mỗi năm. (Nguồn: TASS) |
Vàng Nga sẽ bị ''xa lánh''?
Ngày 26/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, quốc gia này sẽ cấm vàng của Nga - mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ hai của nước này sau năng lượng.
Theo số liệu từ chính phủ Anh, năm 2021, xuất khẩu vàng đóng góp 15,5 tỷ USD cho nền kinh tế Nga.
Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hiện đang nhóm họp tại Đức để thảo luận về các cách thức trừng phạt mới đối với chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đồng thời cố gắng hạn chế ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Biden tuyên bố trong một bài đăng trên Twitter hôm 26/6 rằng, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga khiến Moscow không thể cung cấp tiền cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tổng thống Mỹ nói thêm: “Cùng nhau, G7 thông báo sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga, một mặt hàng xuất khẩu chính mang lại hàng chục tỷ USD cho quốc gia này”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, lệnh cấm nhập khẩu vàng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ông Putin, đồng thời, trực tiếp đánh vào vào giới tài phiệt và gây tổn thất cho chính phủ Nga.
Theo thông cáo báo chí của Phố Downing, lệnh cấm nhập khẩu sẽ áp dụng đối với vàng mới được khai thác hoặc tinh chế. Nhưng lệnh cấm này không ảnh hưởng đến vàng được khai thác ở Nga.
Vàng Nga đã bị một số thị trường quan trọng “xa lánh” kể từ khi quốc gia này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2. Đơn cử như Hiệp hội thị trường vàng thỏi London (LBMA) - cơ quan điều hành thị trường vàng lớn nhất và lâu đời nhất thế giới đã đình chỉ giao dịch của 6 công ty khai thác và tinh chế vàng của Nga vào ngày 7/3.
Theo thông tin của Anh, Canada và Nhật Bản cũng tham gia vào lệnh cấm vận này. Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu muốn thảo luận thêm về tác động tiềm tàng của lệnh cấm.
Ấn Độ thêm cơ hội
Ngày 27/6, giá vàng tăng 0,5% lên 1.836,03 USD/ounce. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm sẽ không có tác động đáng kể đến triển vọng dài hạn của giá vàng.
Jeffrey Halley, chiến lược gia thị trường cấp cao của Oanda cho biết: “Giá vàng đạt mức tăng rất khiêm tốn sau khi một số nền kinh tế lớn trên thế giới thông báo sẽ cấm nhập kim loại quý này của Nga. Điều đó sẽ không thay đổi cấu trúc triển vọng định hướng đối với vàng”.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, một trong những thị trường vàng lớn nhất thế giới, các nhà phân tích không khỏi lo lắng.
Sriram Iyer, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Reliance Securities - công ty môi giới bán lẻ lớn nhất Ấn Độ nhận định: “Lệnh trừng phạt mới với vàng Nga tác động không lớn đối với thị trường quốc tế vì dòng chảy đã bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt trước đây”.
Ấn Độ là nước mua vàng lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Chuyên gia Iyer nói: “Lệnh cấm có thể tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung do vàng Nga không có sẵn. Nhưng đây sẽ không phải là động lực chính của thị trường. Chúng tôi tin rằng, điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại khi lãi suất cao hơn và kỳ vọng suy thoái toàn cầu sẽ tác động lớn hơn đến tâm lý thị trường".
Tuy nhiên, Megh Mody, nhà phân tích nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại công ty môi giới Prabhudas Lilladher có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ) cho biết, có thể có cơ hội để quốc gia Nam Á này mua vàng từ Nga với giá rẻ hơn.
Ông nói: “Đây sẽ là cơ hội để xem liệu vàng có thể được bán bằng đồng Ruble hay không, giống như dầu thô. Nếu điều đó xảy ra, Ấn Độ có thể mua vàng với mức giá chiết khấu".
Thời gian qua, New Delhi đã mua dầu của Nga với mức giá chiết khấu "khủng".